-->
Tháng mười chưa cười đã tối. Mới năm rưỡi chiều mà những cửa hàng
trên phố Hàng Gai đồng loạt lên đèn khiến các món đồ lụa đồ mỹ nghệ
bày trong tủ kính như trở nên lộng lẫy hơn. Thư nhấc một bộ kimono
màu đen thêu hoa xanh nhã nhặn chìa ra trước mặt Vân:
- Bộ này có vẻ được Vân này!
Vân đỡ lấy chiếc mắc treo bộ đồ, khẽ vuốt vào mặt lụa rồi lật mặt
trái xem xét những đường may thêu. Nàng chống cằm lên bàn tay, khẽ
lắc đầu:
- May tương đối kỹ nhưng mà màu không ổn… Nếu nền trắng thêu hoa
vàng hay hoa hồng thì tốt hơn.
- Hai chị mua cho bạn ạ? – cô bé bán hàng nhanh nhảu chen
vào.
Vân và Thư liếc mắt nhìn nhau, chỉ cười chứ không trả lời. Bước
chân chậm rãi đưa hai cô gái lướt qua hai, ba cửa hàng khác. Vẫn
chưa tìm được món đồ thực sự ưng ý, Vân chống nạnh, thở ra một
hơi:
- Chả biết bên kia nó tặng cái gì để mà tránh nữa cơ chị ạ.
- Mình nghĩ chẳng cần tránh đâu. Đằng nào thì bà ấy cũng có ác cảm
rồi. Có khi tặng trùng lại hay!
- Nói vậy chứ chắc gì đã trùng.
- Ừ, nhưng theo kiểu Vân kể thì cô nàng kia cũng hời hợt, chắc chỉ
tặng thứ đắt tiền chứ không chăm chút gì đâu.
- Thế, nên em mới phải tìm chọn cái gì tinh xảo một tẹo. Bực lắm,
em cứ nghĩ nửa tháng nữa bà ý mới đi cơ, đã dặn đặt thợ quen may
hẳn một bộ vừa khăn trải bàn vừa bọc hộp giấy ăn vừa khăn ăn đấy
chứ! Đùng một cái trưa nay thấy gọi điện…
- Thôi, đã ác cảm thì cái gì chẳng làm khó được. Cũng may là bà ấy
chuẩn bị đi rồi.
Vân nghe chữ “chuẩn bị đi” thoát ra từ môi Thư mà cảm thấy nhẹ nhõm
hẳn. Cả tháng nay nàng luôn bị ức chế bởi sự có mặt của mẹ Thanh.
Không chỉ tỏ ra ác cảm với gốc gác ngoại tỉnh cũng như tuổi tác của
nàng và luôn gọi điện cắt ngang những khoảng thời gian vốn đã ít ỏi
Thanh ở bên nàng, bà Nhã còn công khai o bế Hạnh Phương, nghiễm
nhiên coi cô ả như con dâu. Bà khen ngợi cô ta hết lời rồi cả ngấm
ngầm lẫn lộ liễu so sánh nàng với cô ta trước mặt Thanh cũng như
bạn bè và họ hàng của chàng.
Thanh có phản ứng lại, nhưng những phản ứng của chàng chưa đủ quyết
liệt để nàng cảm thấy được an ủi. Vân đã hơn một lần phải ghìm cơn
giận để đỡ phải sa vào cảnh đôi co với mẹ chàng. Bao nhiêu nỗi bực
bội không thể mặt nặng mày nhẹ với Thanh để trút giận mãi được,
nàng chỉ còn cách tâm sự với mấy đứa bạn đại học và Thư. Đám con
trai như Tố “tồ” chưa đứa nào có kinh nghiệm nên chỉ làm nàng vui
bằng cách lắng nghe và pha trò cười. Đứa có khả năng xoa dịu nàng
nhất là Đan lại đang thực tập tận Paris, bận tới độ không có thời
gian đọc mail. Vậy là chỉ còn Thư làm tư vấn viên tâm lý. Thật may,
Thư hơi giống tính Đan, biết cách đem đến sự thăng bằng cho người
khác. Vì vậy, nàng không cảm thấy quá tệ hại…
Cuối cùng thì Vân cũng chọn được một chiếc áo kiểu Thượng Hải thêu
hoa đào trên nền lụa hồng nhạt bóng bẩy. Nàng thở phào, tự thưởng
cho mình và Thư hai chiếc túi đính cườm vì cả tiếng đồng hồ vất vả
rồi để Thư lại với cuộc dạo phố shopping, nàng phóng xe tới nhà
hàng Sao Biển.
* * *
Thanh dựng xe cách nhà hàng một quãng, đang ngóng về phía đầu đường
với vẻ khá sốt ruột. Thấy nàng, chàng nhìn nàng, ánh mắt vẫn dịu
dàng nhưng thoáng trách móc:
- Anh đã dặn em đến sớm một chút rồi mà.
- Đường Hàng Ngang - Hàng Đào cấm xe, em phải đi vòng - Vân cố gắng
mỉm cười và nói với chàng bằng giọng bình thường nhất. Hai người
phóng tới trước cửa nhà hàng. Đám nhân viên xăng xái ra đỡ lấy hai
chiếc xe.
Dường như không nhận ra vẻ mệt mỏi buồn buồn của Vân, Thanh vội vã
lấy vé xe rồi đi nhanh vào. Vân đứng lại sửa lại mép giấy của gói
quà, nàng nhìn theo dáng Thanh, chợt nhận ra rằng gần đây chàng
không còn kiên nhẫn với nàng nữa. Nàng mím môi rảo bước tới nắm tay
chàng:
- Chờ em!
Ánh mắt của Vân khiến Thanh hơi khựng lại. Chàng thấy sợ cái dữ dội
ngấm ngầm trong đôi mắt này. Gần đây nàng có nhiều tâm sự. Chàng
biết nàng có nhiều điều không bằng lòng. Tất cả đều vì chàng… Thanh
khẽ siết lấy bàn tay lành lạnh của nàng, dắt lên cầu thang phòng ăn
trên gác.
Đón Vân là một bàn tiệc đông người. Thức ăn đã được bưng lên, toả
khói nghi ngút. Quanh chiếc bàn tròn bà Nhã và ông chồng mới vốn
cũng là dân xuất khẩu lao động, bà Hạnh Nhu cùng hai con, tươi cười
giả tạo. Và khủng khiếp nhất là hai gương mặt đàn ông quen thuộc
đến rợn người đang hướng về phía nàng, Lương Nhữ Tri và Thìn.
Gió từ hồ Tây thổi vào làm Vân rùng mình, nàng thấy bàn tay lạnh
cóng. Nàng biết Thìn là bạn hồi học phổ thông của bà Hạnh Nhu, vì
chính hắn đã giới thiệu nàng vào làm việc ở công ty áo cưới của bà
ta. Và nàng cũng biết bà Nhã và bà Hạnh Nhu chơi rất thân với nhau,
thân đến độ nhận nhau làm thông gia từ mươi mười lăm năm trước.
Nhưng nàng chưa bao giờ xâu chuỗi lại các mối quan hệ của ba người
đó và càng không ngờ đến việc Lương Nhữ Tri cũng có mặt ở đyâ. Lão
giám đốc Đài Loan ăn mặc không khác gì một ông già Việt Nam nhàn
hạ, nói tiếng Việt như người Việt và cư xử tỉnh bơ như thể lão là
một ông bạn vong niên mới về hưu của Thìn.
Bỏ ngoài tai những lời giới thiệu chào hỏi ồn ào, Vân nhìn nhanh về
phía Thanh. Chàng chưa gặp Thìn và mới chỉ nhìn thoáng lão Lương,
vì không nhận ra hai ông khách quý hoá nên chàng cúi chào rất ngoan
ngoãn. Thìn nhìn nàng bằng con mắt toé lửa, có lẽ nếu không có lão
già ngồi bên kiềm lại, có lẽ hắn đã lao ra ngắt đầu nàng rời khỏi
cổ như con tôm nướng kia rồi. Lương Nhữ Tri thì hoàn toàn lãnh đạm
với việc hỏi han xã giao, chừng mực đến ớn lạnh. Nhưng nàng biết,
lão đã bị một chút bất ngờ vì nàng xuất hiện.
Mấy năm làm dưới trướng của lão ta, Vân đã rèn luyện tình huống
không mong mà gặp người quen nhiều lần. Bằng sự nhạy cảm của mình,
nàng hiểu rằng bà Nhã và bà Nhu có thể là đối tượng mới trong những
phi vụ làm ăn mờ ám của liên minh ma quỷ Thìn - Lương. Vậy nên nàng
vẫn cư xử hết sức bình thường trong một sự cẩn trọng tối đa.
Lễ phép nói lời xin lỗi vì sự chậm trễ và đặt gói quà vào tay bà
Nhã, nàng ngồi xuống chiếc ghế trống, giữ lưng thật thẳng để đối
phó với những câu hỏi thăm móc máy của bà Hạnh Nhu và Hạnh Phương.
Thật vừa vặn đẹp đẽ làm sao khi Thanh thì được xếp ngồi cạnh mẹ và
cô ả mặt đẹp, còn nàng kẹp giữa một bên là Lương Nhữ Tri, một bên
là thằng giặc nhỏ Bảo Phương.
- Đỡ suy nhược thần kinh chưa cháu? – bà Nhu đon đả.
- Dạ, đã khá hơn nhiều. Đợt đó, cháu về Sapa cắt thuốc, thuốc nam,
uống một thang là thấy đỡ đau đầu hẳn.
- Thế bệnh cột sống đĩa đệm?
- Cái đó phải vật lý trị liệu hơi lâu. Giờ vẫn thỉnh thoảng cháu bị
đau lại nhưng không đến nỗi phải bỏ dở công việc như trước cô
ạ.
- Chị làm ở chỗ mới thế nào? Nghe nói là công ty nước ngoài mà
lương rẻ mạt lắm hả?
- Chị thấy lương cũng tương xứng với công việc. Còn em thì
sao?
Câu hỏi ngược của Vân làm Hạnh Phương tức tối. Ai chẳng biết là cô
ả chỉ sóng tay tiêu tiền của mẹ còn việc ở ảnh viện thì làm bê bết
mãi không xong. Bà Nhã thấy cô nàng không trả lời được thì vội vã
đỡ lời:
- Cô nghe mẹ cháu bảo cháu chuẩn bị học cao học phải không
Phương?
- Dạ vâng ạ - Hạnh Phương vội bám lấy những lời đó như một thí sinh
dốt được gà bài - Cháu chuẩn bị thi nên cũng hơi bận.
- Ừ, còn trẻ thì cứ tập trung vào. Vài ba năm nữa, hăm bảy hăm tám,
cứng tuổi rồi – bà Nhã liếc về phía Vân một cái – sợ có muốn cũng
chẳng còn đủ thời gian mà học… Thanh, con cũng phải phấn đấu đi
chứ, đàn ông mà chỉ có bằng kỹ sư, thua cả vợ, thì người ta cười
cho!
Vân giấu tiếng cười nhạt, nàng quay sang nói chuyện bóng đá với Bảo
Phương. Dù có nghịch ngợm tai quái, thằng bé này vẫn dễ trị hơn đám
đàn bà “miệng nam mô” cũng như hai tên đàn ông đê tiện ngồi kia.
Câu chuyện được dẫn dắt sang hướng khác, Hạnh Phương lên tiếng nũng
nịu:
- Cháu định đi học lái xe. Chú Thìn với bác Lương có biết trung tâm
nào dạy tốt không?
- Cái này bác không biết lắm. Già rồi, toàn đi bộ. Chỗ nào xa thì
bảo thằng con đưa đi. Xe cộ may ra chỉ có chú Thìn biết.
Dù biết bản lĩnh bịa chuyện của tên già họ Lương, Vân vẫn cảm thấy
dựng tóc gáy trước những lời như thật của hắn. Thìn huênh hoang với
Phương về chuyện học để thi lấy bằng gì đó còn Lương thì quay sang
bà Nhã cười tươi:
- Bên kia chắc Mercedes với BMW nhiều như rươi cô Nhã nhỉ. Chả bù
cho bên này, toàn xe Hàn Quốc liên doanh vớ vẩn.
- Ấy, bác nói thế. Xe con trai bác đi bọn em có cố cũng chả mua
được.
- Con trai anh Lương mua Lexus từ thời đầu đấy, đến nay cả Hà Nội
cũng chỉ có chục chiếc mà toàn biển ngoại giao thôi – Thìn nói oang
oang.
Những gương mặt no đủ cười tít mắt vì mùi tiền sộc ra theo mỗi câu
nói. Bà Hạnh Nhu nhìn Thìn bằng ánh mắt long lanh ướt rượt, gắp một
miếng nạc cua cho hắn:
- Em định mua cho cháu nó cái Premacy anh ạ. Anh thấy thế
nào?
- Con gái đi Premacy được quá còn gì! Số tự động nhé, giá mềm nữa
nhé.
- Chú đừng có hùa với mẹ cháu! Bọn bạn cháu có đến mấy đứa đi xe
đấy rồi, vỏ xe mỏng va nhẹ đã rúm ró lại, mà xe có 30 ngàn, chả bõ
công rút tiền… - Phương dẩu môi - Cháu thích đi Pajero giống chú
cơ.
Bà Nhã bỏ chiếc vỏ sò xuống bát, liếc mắt mắng yêu:
- Con bé này, sao lại thích đi cái xe chẳng nữ tính tí nào
thế!
- Xe đấy gần 50 ngàn, thế mới gọi là mua ô tô chứ mẹ. Xe dưới 30
ngàn thì chỉ là cái hộp bốn bánh thôi.
“Trọc phú, rởm đời ngọt xớt!” – Vân rủa thầm. Nàng quay sang bà
Hạnh Nhu, mỉm cười niềm nở:
- Cùng tầm tiền, cô để Phương mua Ford Mondeo đi cho sang. Hơn kém
nhau vài trăm đô nhưng một cái có nội thất da với phanh ABS. Hoặc
nếu Phương vẫn thích lái xe gầm cao thì mua Ford Escape.
- Ôi, em không biết là chị Vân còn đi làm thêm cho bọn Ford đấy
đấy!
Vân lại nhếch môi cười. Hạnh Phương cố tình lái chữ Ford ngả theo
dấu huyền, để ám chỉ cái nghề mà ai cũng biết là nghề nào đó. Nàng
đưa mắt về phía Thanh và thấy chàng thoáng cau mày. Chàng đang bực
Hạnh Phương vì câu nói ác hay bực nàng vì cái quá khứ lừng lẫy
chẳng tốt đẹp gì? Nàng trả lời Hạnh Phương, thấy miệng mình nhạt
thếch:
- Bọn chị độc quyền thiết kế quảng cáo cho bên Ford. Với lại bạn
chị cũng mới mua xe.
- Có phải cái cậu đi ô tô đỏ hôm nọ đi với Vân ở đoạn đầu Quang
Trung không?
Vân ngước lên nhìn bà Nhã, một lát mới nhớ ra chuyện hẹn gặp Tố mấy
tuần trước. Chưa kịp trả lời thì bà với mẹ con Hạnh Phương đã ríu
rít nói sang chuyện khác. Nàng liếc về phía Thanh, có dấu hỏi trong
ánh mắt của chàng.
*Bữa tiệc ê hề những món ăn đắt tiền và những lời thơn thớt cuối
cùng cũng chấm dứt. Bà Nhã hào hứng kéo tất cả đi “tăng 2” karaoke
bằng một vẻ vừa khẩn khoản vừa quyền hành. Vân cúi xuống sửa lại
mép áo để giấu cái nhăn mặt. Nàng dị ứng với những căn phòng mờ mờ
xập xình tiếng nhạc và dị ứng với những gương mặt quá đỗi giả tạo
này. Lễ phép xin lỗi bà Nhã vì phải về nhà đợi điện thoại của mẹ và
vờ chóng mặt vì vài ly vang trắng, nàng khép nép chờ Thanh đưa
về.
Nhưng bà mẹ sành điệu của Thanh tất nhiên không phải tay vừa.
“Thanh lên ô tô ngồi với mẹ, xe gửi lại đây mai lấy.” “Nhu ơi, cái
chỗ hôm nọ mình dẫn người ta vào tên là gì ấy nhỉ?” “Thôi thế Vân
có việc thì cứ về đi, bác cảm ơn.” Bằng những điệu bộ khoả lấp, lời
nói rất nhanh nhảu, tự tin, quấy quá, bà ta tách nàng ra khỏi đám
đông và khiến Thanh không thể nào mở lời được. Vân lặng lẽ vòng xe
đi ngược hướng của đoàn người.
Với những ý nghĩ lộn xộn trong đầu, nàng không về nhà mà vòng về
nhà Thanh. Ông Túc vẫn như thường lệ, đang chăm chú nghiên cứu một
vài thứ hiểm hóc nào đó. Cầm những bức ảnh về nhật thực toàn phần ở
Mũi Né do chính tay mình chụp từ mười năm trước và ngắm tới từng
vết xước trên phần ép plastic, ông có vẻ như chẳng buồn để ý xem ai
vừa bước vào. Để mặc ông với thế giới riêng của mình, Vân định trèo
lên gác xép để cũng tìm kiếm một cõi riêng khác thì thấy ông ngẩng
lên:
- Này, con biết tiếng Khựa đúng không nhỉ?
Ông già vẫn hay gọi Trung Quốc là Khựa, chẳng rõ tại sao. Vân quay
lại kéo ghế ngồi gần ông, hỏi lại:
- Bác cần dịch gì ạ?
Ông già gỡ kính ra rồi lại loay hoay đeo vào, bằng vẻ lẩm cẩm cố
hữu ông lần túi lấy một tờ lịch gấp tư.
- Ờ, chiều nay sang bên nhà ông Sửu thấy có cái phim trên truyền
hình cáp hay quá. Bác ghi lại tên phim rồi... Đây, con xem là phim
gì để bác ra hàng thuê lại…
Làm sao có thể chép lại một cái tên phim loằng ngoằng giun dế như
thế nhỉ? Vân đón tờ giấy và bỗng quên mất rằng tâm trạng của mình
đang sầu não, nàng cười thành tiếng.
- Sao thế? Bác viết sai hết à? - mặt ông Túc nghệt ra, ông giơ bàn
tay có sáu ngón lên gãi cằm.
- Không ạ - Vân cố nén cười nhưng dường như vẫn chưa thể nghiêm mặt
lại - Tại cái chữ bác ghi chỉ là “tập thứ hai mươi tám” thôi chứ
không phải tên phim.
- Ô, thế à? Thế tên phim là gì?
- Cháu không biết. Cháu có xem đâu.
- Ừ nhỉ!
Vân mỉm cười, cảm giác của nàng đã bớt nặng nề hơn. Dù sao sau một
bữa cơm kinh khủng, việc ngồi và tham gia vào câu chuyện chẳng ra
đầu ra đuôi với một người ngô nghê lơ đễnh như ông Túc cũng dễ chịu
chán! Và nếu nói một cách uỷ mị thì nàng thích nhìn niềm vui ánh
lên trong đôi mắt hiền hiền dài dại của ông già.
Mười rưỡi rồi mười một giờ, Thanh vẫn chưa về. Ông Túc lọ mọ tẩn
mẩn với gia tài của mình không để ý đến tiếng chuông của chiếc đồng
hồ cổ nhưng Vân thì cảm thấy mỗi tiếng chuông là một tảng đá nặng
nề trĩu xuống tâm trạng của nàng. Tại sao Thanh không nhắn cho nàng
một dòng tin, hay tranh thủ gọi và nói với nàng mấy câu quan tâm
như thói quen bao lâu nay nàng biết...
- Này, bác mới được truy lĩnh lương. Đi ra ngõ Cấm Chỉ ăn gà tần
với bác nhé!
Vân mỉm cười lắc đầu vô thức, không nhận ra vẻ thông cảm và yêu
thương ánh lên trong đôi mắt kèm nhèm tưởng như lơ đãng. Nỗi u ám
của nàng trở lại khiến ngay cả một nụ cười cũng trở nên méo mó.
Nàng dắt xe ra khỏi ngõ, vẫy tay từ biệt ông già.
* * * * *
Đang rảo bước, Vân bỗng dừng phắt lại vì chiếc Lexus đen đã án ngữ
ngay lối dẫn vào cầu thang nhà nàng. Hai gương mặt quen thuộc thấp
thoáng cửa xe, một dài ngoẵng, một phì nộn. Chúng đang hướng ra
phía hàng gửi xe ở đầu khu tập thể. Vân nhanh chóng nép vào một góc
tường, thật may cho nàng là đêm nay nàng lại không gửi xe ở nhà
quen. Nàng lùi dần, lủi vào một ngách nhỏ, lối tắt dẫn ra phố
chính. Gần nửa đêm, phố xá vắng tanh, chỉ còn một hiệu café
internet sáng đèn. Vân chọn một máy ở trong cùng và cúi đầu thật
thấp.
Nàng vào Yahoo Messenger. Bạn bè nàng phần lớn đều chỉ dùng
internet ở văn phòng nên giờ này chẳng có mấy người online, dãy
nick nằm im lìm bên những biểu tượng mặt người xám xịt. Chỉ có Hoài
Đan nhảy vào gọi nàng:
- Sao mày online giờ này?
- Không ngủ được, xuống đường đi bộ. Tạt vào chat với mày một
tí.
- Dạo này có gì mới không?
- Vẫn bình thường, việc công ty tầm này đều đều chậm chậm. Mày thì
sao?
- Học xong rồi, chuẩn bị về. Người xét ra thì vẫn khoẻ, nhưng mệt
tim.
- Sao?
- Lão kia chẳng thèm gọi, chẳng thèm hỏi tao một câu. Không hiểu
làm sao nữa.
- Hồi hè tao có gặp một lần ngay trước cửa văn phòng. Lão ý nhăn
như bị, mặt cắt không ra một tí vui vẻ.
- (Một biểu tượng mặt người mỉm cười) Đợt đấy là công ty có vấn đề
xào xáo. Đảo chính lật đổ ách độc tài Bùi Đức Lập.
Vân cũng đưa một biểu tượng mặt cười nhưng gương mặt thật sự của
nàng thì như lặng đi. Nàng nhớ lại và xâu chuỗi lại các sự kiện
trong đầu. Phải rồi, khi ấy nàng cũng biết. Nhưng bản thân nàng
cũng có quá nhiều vấn đề nên câu chuyện nàng nghe được cũng coi như
chìm vào quên lãng. Nàng gõ tiếp:
- Có phải liên quan đến vụ họp cổ đông gì đó và em chồng mày
không?
- Sao mày biết?
Không dưới một lần Vân đã nghe Lương và Thìn nhắc đến Thạch, em
trai Lập, chúng coi người này như một quân cờ. Nàng kể vắn tắt cho
Đan về mối quan hệ của mình với Thìn, về những gì nàng nghe thấy,
về lời đề nghị đê tiện của Thìn hồi đầu mùa hè và cả về những rắc
rối sau khi nàng chia tay với hắn.
Đan im lặng một lát, mãi sau mới thấy viết tiếp. Chắc con bé không
ngờ Vân lại dây dưa với kẻ bỉ ổi đã tìm mọi cách hại sự nghiệp của
chồng nó:
- Bây giờ hắn ta vẫn bám lấy mày?
- Ừ - Vân chỉ biết gõ một chữ gọn lỏn.
- Sao không báo công an?
- Xô xát trực tiếp thì công an cũng chỉ nhắc nhở rồi thôi. Các vụ
phá phách quấy rối thì có hậu quả nghiêm trọng nào đâu mà mất công
tìm bằng chứng. Với lại tao không phải hộ khẩu Hà Nội, cũng chẳng
thân quen gì…
- Nhưng mà phải có cách chứ?
- Tao nhờ một người quen chung nói hộ, thấy hắn để yên yên độ vài
tháng. Đến hôm nay lại lù lù xuất hiện. Hồi ở đây mày có gặp cái
lão bồ già của em chân dài Minh Ánh không?
- Có. Vì hai nhân vật đấy mà tao với Lập mới nảy sinh lắm vấn đề vớ
vẩn…
- Ừ, lão đấy hồi xưa là người Hoa ở trong miền Nam, sau vượt biên.
Bây giờ trở sang Việt Nam, mang cái mác Đài Loan.
- Nghe Lập nói là hắn đi lừa không biết bao nhiêu bà sồn sồn giàu
có lập công ty, vẽ dự án vay vốn ngân hàng rồi ôm tiền trốn.
- Không chỉ thế thôi đâu. Còn nhiều trò lắm. Tao nghi là chính lão
già này đã khích bác sai khiến Thìn quay lại bám để phá tao. Giờ
hai thằng già đang đứng chình ình ở chân cầu thang nhà tao
đấy!
- Thế nên mày mới ngồi hàng chat khuya?
- Ừ, tao ngồi ở đầu ngõ, để ý nãy giờ mà chưa thấy xe của chúng nó
đi ra. Chắc là nó đỗ xe cắm trại đợi thâu đêm rồi mày ạ.
- Chẳng lẽ định ngồi đấy đến sáng à? Tìm chỗ nào nghỉ tạm đêm nay
đi.
- Ừ, để tao tính.
Vân bấm số của Thanh. “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên
lạc được”. Có lẽ với sự tác hợp nhiệt tình của bà mẹ, chàng đã yên
ổn ngoài vùng phủ sóng trong vùng phủ chăn nào đó rồi! Nàng cắn
môi, nghĩ ra một vài cái tên, những mối quan hệ quá nhạt nhẽo. Cuối
cùng, nàng gọi cho Tố “tồ”. Dù sao thì nó cũng chưa có ràng buộc
gì, lại đủ thân để nhờ vả…
Vừa ngắt cuộc gọi thì nàng thấy chiếc Lexus ì ạch bò ra khỏi ngõ.
Không nghĩ ngợi, nàng đứng dậy thanh toán tiền và quay về nhà. Trời
bắt đầu đổ mưa.
Lối lên cầu thang đã khoá, Vân loay hoay lục túi tìm chìa. Bàn tay
hơi cóng. Những đợt gió hung hãn của đêm mùa đông làm nàng cảm thấy
ớn lạnh. Và nàng còn ớn lạnh hơn khi hai bàn tay từ trong bóng tối
vươn ra ấn nàng vào những chiếc chấn song sắt. Giọng Thìn rõ mồn
một trong đêm:
- Mẹ mày, chạy đâu cho thoát!
Hơi rượu và mùi khét khét gây gây lộn mửa trùm lấy nàng, Thìn xích
lại ép chặt người nàng vào cánh cổng. Hai bàn tay man dại lần trên
thân thể đang vùng vẫy của nàng, tiếng hai cánh cửa han gỉ va vào
nhau, tiếng thở hổn hển và tiếng lẩm bẩm kể lể lẫn chửi rủa của hắn
trộn lẫn làm nàng buốt óc. Bám tay vào gờ tường để lấy điểm tựa,
Vân hất thân hình phì nộn bật ra để bỏ chạy. Nhưng Thìn đã nhanh
hơn một nhịp, hắn tóm được chiếc mũ đằng sau áo của nàng. Kéo phắt
khoá cởi chiếc áo khoác để thoát khỏi bàn tay thô bạo, nàng phong
phanh một chiếc áo len không tay chạy thẳng ra đầu ngõ, tiếng chân
nặng nề đuổi theo sau.
Vân guồng chân thật gấp bất chấp cơn mưa và gió rét. Nàng lao thẳng
ra đường và suýt nữa thì bị chiếc Matiz đỏ đâm phải. Tố mở cửa
xuống xe, chưa hết sửng sốt vì bộ dạng của nàng thì đã thấy Thìn
chạy ì ạch ở đoạn đầu ngõ. Nó hiểu ra vấn đề khá nhanh, vội vã cởi
áo quàng vào vai nàng. Vừa lúc đó, một chiếc Vespa phóng tới.
Thanh nhìn chiếc Matiz đỏ vẫn mở rộng cửa rồi lẳng lặng quay
xe.
- Thanh, nghe em nói đã!
Vân vùng khỏi tay Tố chạy theo, không ngớt gọi tên chàng. Thanh
không ngoảnh lại mà tăng ga để tiếng gọi xa dần... Cho đến khi có
một tiếng phanh két rợn người vang lên ở cái đoạn đường mà chàng
vừa bỏ lại, chàng mới giật mình dừng xe. Từ góc phố, một chiếc taxi
cáu bẩn đã vọt ra, điên cuồng lao thẳng về phía Vân.
* * *
Thanh gục mặt vào tay, chàng ước sao mình có thể khóc. Nhưng không
có giọt nước mắt nào chảy ra từ cặp mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ của
chàng. Nỗi đau đớn dường như đang gặm nhấm và làm cho từng khoảng
nhỏ trong óc chàng trở nên nhức nhối. Vân vẫn chưa tỉnh. Tố đã
ngoặt đuôi xe cản được chiếc taxi phóng ẩu nhưng vụ va chạm cũng
làm nàng ngã đập người xuống đường. Hậu quả của cú ngã đó nghiêm
trọng hơn cả Vân và chàng tưởng.
Thanh đã lặng đi khi ông bác sĩ trực lạnh lùng nói hai chữ “sẩy
thai” rồi bước ra. Vân bị sốc và ngất ngay sau đó. Ngay cả khi bà y
tá ngái ngủ chọc mũi tiêm khá cẩu thả lên làn da tái nhợt, nàng vẫn
không tỉnh. Không kịp tìm phong bì giữa đêm khuya, Thanh vội vã dúi
tờ năm mươi ngàn vào túi ông bác sĩ để nhận được một câu thông báo
cụ thể và nhẹ nhàng hơn:
- Thai ít tháng mà để va đập mạnh quá... Đã siêu âm kết quả tốt,
không sót rau. Bệnh nhân không choáng, chỉ là sốc tâm lý, tiêm
thuốc an thần rồi. Đây là đơn thuốc, tạm thời mua hai loại đầu
thôi, một cái là dịch truyền, một cái là kháng sinh, hiệu thuốc ở
bên trái cổng chính ấy.
Ông bác sĩ thích nói trống không đi khỏi, Thanh vẫn thẫn thờ. Ý
thức về một mầm sống vừa mất đi níu chặt chân chàng. Một vài người
thức trông người thân nằm cùng phòng lên tiếng an ủi, chỉ dẫn cho
chàng mấy thủ tục không thành văn trong bệnh viện và giục “làm
nhanh lúc nào hay lúc đấy”. Chàng thậm chí còn không thể hiểu nổi
họ nói gì cho đến khi Tố bước tới bên vỗ vai chàng, chiếc Matiz đỏ
đã nát bét phần đuôi xe nhưng thật may là Tố chỉ bị vài vết rách và
bầm tím không đến nỗi nặng quá:
- Cậu để tớ đi mua thuốc cho, vào trong kia đi!
Thanh máy móc lắc đầu rồi đi dọc hành lang. Những sự kiện liên tiếp
xảy ra trong một khoảng thời gian quá ngắn đã đem đến cho chàng quá
nhiều đau khổ. Với chàng, đây là một cơn ác mộng.
* * *
Vài ngày sau, cơn ác mộng vẫn chưa chấm dứt. Không tỏ ra hoảng loạn
hay kích động, Vân giữ một vẻ u uất đau đớn. Bác sĩ vẫn phải cho
nàng dùng thuốc an thần. Buổi trưa, nàng nằm mê mệt. Ông Túc sau
khi mang thêm tiền cho Thanh chi dùng trong viện cũng đã quay về cơ
quan. Hạnh Phương xuất hiện trước mặt Thanh đúng lúc đó.
- Em nghe bố nói, anh đã đưa đơn thôi việc, có phải vậy
không?
Thanh không gật cũng không lắc đầu, chàng lặng lẽ chỉ ra hành lang
và nhanh chóng khép cửa lại. Khi đã ở ngoài khuôn viên bệnh viện,
chàng mới lên tiếng:
- Bây giờ không phải là lúc nói chuyện đấy nữa Phương ạ. Hôm trước
anh đã nói rõ với em rồi.
- Vậy bây giờ anh xoay xở ra sao? Chị Vân thì bị như thế, tiền đâu
mà…
- Anh tự lo được. Cảm ơn em.
- Em xin lỗi, hôm ấy em quá giận - Hạnh Phương sụt sịt.
Thanh nhìn gương mặt lúc nào cũng như một diễn viên kịch của Hạnh
Phương, khẽ lắc đầu. Hôm qua, một tuần kể từ sau buổi nói chuyện
của chàng với cô ta, chàng đã xin nghỉ việc.
Mọi chuyện bắt nguồn từ mối quan hệ thân thiết của mẹ Hạnh Phương
và mẹ chàng. Hai người thường nói vui là sẽ làm thông gia của nhau.
Trước khi gặp Vân, chàng cũng nghĩ rằng tình cảm tương đối nhạt
nhẽo với Hạnh Phương sẽ có thể phát triển thành một cái gì đó cao
hơn tình cảm anh em, một thứ gần như tình yêu. Thậm chí chàng cũng
không quá ngần ngại khi để bà Hạnh Nhu giới thiệu cho chàng một
công việc tốt ở công ty của ông chồng cũ, tức là bố Hạnh Phương.
Việc Hạnh Phương đột ngột “lơ” Thanh đi khiến chàng cảm thấy khá áy
náy nhưgn chàng đã cố gắng rất nhiều trong công việc và không để ai
chê trách. Sau đó, khi đến với Vân, cảm giác áy náy đó cũng đã phai
dần. Chỉ tới những ngày gần đây, Hạnh Phương gặp lại và đột nhiên
thấy thích chàng, mọi chuyện mới trở nên phức tạp.
Tuần trước, chàng đưa mẹ về quê viếng mộ các cụ bên nhà ngoại, bà
Nhã rủ cả mẹ con Hạnh Phương cùng đi. Trưa hôm đó, bà đã đòi vào
một khu du lịch sinh thái câu cá ven đường để tạo điều kiện cho
Phương và Thanh nói chuyện riêng. Trong chòi câu cá vắng vẻ, Phương
đã nói rằng cô ta yêu chàng, rằng cô ta đã sai lầm khi bỏ rơi
chàng, rằng cô ta muốn được làm con dâu mẹ chàng(!). Thanh đã nhẹ
nhàng nhưng kiên quyết từ chối. Kể cả khi Hạnh Phương dùng nhan sắc
và gia sản để quyến rũ, chàng vẫn không thay đổi. Bực tức, cô ta đã
tuyên bố rằng chàng là đồ lợi dụng và thề sẽ làm cho chàng phải hối
hận.
Một tuần qua, những chi tiết nhỏ trong công việc của chàng thường
xuyên bị xét nét bắt bẻ. Từ trước tới nay, có một quy luật là Thanh
rảnh rỗi nghĩa là mạng của công ty hoàn toàn ổn định và an toàn.
Thế nhưng cấp trên giờ đây lại kêu ca về việc chàng rảnh rỗi. Là
một kỹ sư chuyên về bảo mật, Thanh làm việc rất thận trọng. Cấp
trên thấy vậy lại cho rằng chàng chậm chạp. Và khi chàng nói ra ý
định viết phần mềm bảo mật riêng để phù hợp với đặc thù công ty, họ
đã gạt đi. Chàng biết, mình đã trở thành cái gai trong mắt ông Bảo
Thăng, quyền giám đốc và là bố Hạnh Phương. Ngay cả thói quen đi xe
Vespa của chàng cũng bị nêu ra châm biếm giữa cuộc họp. Đến hôm
nay, sau một trận lôi đình của ông Thăng nhằm vào chàng vì mấy ngày
nghỉ phép đột xuất, Thanh đã đưa đơn thôi việc.
Hạnh Phương vẫn khóc mãi không thôi. Tiếng nấc và những giọt nước
mắt của cô ta khiến Thanh bất nhẫn, chàng ngồi xuống bên cạnh cô ta
trên chiếc ghế đá hẹp, cô ả được thể ngả hẳn vào vai chàng. Thanh
quay mặt sang phía khác và nhích người ra nhưng vẫn không rời chiếc
ghế đá. Chàng nói nhỏ:
- Em nín đi.
- Anh nói anh không giận em đi đã.
- Ừ, anh không giận em đâu – Thanh nói như cái máy, mắt vẫn nhìn
miên man về phía góc vườn hoa. Ở đó có một gia đình bệnh nhân,
người đàn ông bế đứa trẻ nựng nịu trong khi bà vợ bóc quýt và đút
từng múi cho chồng.
- Anh nói không giận nhưng không thèm nhìn mặt em - Hạnh Phương
thút thít, giọng sũng nước.
Thanh quay lại nhìn Phương, giơ tay nắm hờ vào bàn tay đang vò nát
mảnh giấy ăn và cố mỉm cười với cô ta như trước đây chàng vẫn làm.
Nụ cười cuối cùng trước khi thực sự bước vào cơn ác mộng!
* * *
Nhà ga đông nhốn nháo, những con người lúc nào cũng vội đang chen
lấn trong hàng hoặc bồn chồn bên đám túi hòm lỉnh kỉnh, mùi quần áo
lạ mùi hành lý trộn với tiếng loa cùng tiếng người léo nhéo tạo
thành một thứ tác động tổng hợp chẳng dễ chịu gì cho thần kinh. Một
cô gái trẻ ăn mặc đơn giản nhưng sang trọng đang thơ thẩn dạo quanh
sảnh rộng. Do có trục trặc kỹ thuật, chuyến tàu đi miền Nam của cô
sẽ chuyển bánh chậm khoảng nửa tiếng đồng hồ. Mải mê vào cuốn sách
hướng dẫn du lịch Lonely Planet, cô suýt nữa va phải một
người.
- Xin lỗi chị.
Người phụ nữ xách túi giả da mặc chiếc áo khoác tối màu đang vịn
vào tường vẻ mệt mỏi, chiếc khăn bằng dạ quàng kín tai và kiểu ăn
mặc già dặn thì hoàn toàn xa lạ, nhưng những lọn tóc nâu lỉa chỉa
của người này làm cô gái cảm thấy ngờ ngợ…
- Vân, có phải mày không?
Cái đầu quàng khăn dạ quay lại. Một gương mặt xanh mét nhưng quen
thuộc, không biết có nên gọi là đang cười.
- Mày bị cảm hay sao mà mặt tái thế? Lại đằng kia ngồi đi.
Quá ngạc nhiên vì sự xuất hiện của Đan, con bạn mới hôm trước còn
chat với nàng từ London, Vân không còn sức để làm gì khác. Nàng
buông mình xuống chiếc ghế nhựa. Lạnh toát.
- Thấy sao rồi? – Đan sờ lên trán bạn, rút khăn giấy khẽ thấm mồ
hôi đọng trên đó rồi dợm đứng dậy – Mày ngồi đây để tao ra kia mua
hộp dầu.
Vân đưa bàn tay rã rời ngăn Đan lại, thều thào:
- Thôi, không cần đâu. Tao đỡ hơn rồi.
- Không được, mày tựa vào người tao, mình ra kia tìm chỗ nào dễ
chịu hơn để ngồi. Phải uống cái gì nóng nóng…
- Đừng, để tao ngồi yên cho đến lúc lên tàu đi. Tao trúng gió thôi,
lên tàu ngủ một giấc là khỏi ấy mà.
Không bắt Vân đi và cũng không đi ra ngoài nữa, Đan hỏi một chị
đứng tuổi ngồi ở gần đó để mượn hộp dầu xoa lên thái dương, lên cổ
cho bạn. Hơi dầu ấm sực làm nước mắt Vân giàn giụa. Nén cơn đau âm
ỉ để ngồi thẳng dậy, nàng nhìn Đan hỏi bằng giọng bình thường
nhất:
- Sao giờ này mày lại ngồi đây? Bỏ học về đi chơi với chồng
hả?
Đan cười không trả lời mà lại hỏi ngược nàng. Vân cũng cố nặn ra
một nụ cười méo mó. Nàng quàng lại cái khăn lên đầu để tránh một
cơn xúc động:
- Sắp sửa có cái lễ động thổ khởi công trong khu kinh tế Lao Bảo,
công ty nhận tổ chức, sếp phái vào đấy làm.
- Làm chỗ này vẫn ổn chứ hả? Sao tao thấy mày xanh thế?
- Tốt lắm mày ạ. Còn mặt mũi tao thế này, chẳng qua là vì vội đi
không trang điểm thôi. Mà mặt tao thì mày biết rồi đấy, thiếu son
phấn một cái là bạc ra ngay.
- Ừ, chắc là vì trúng gió nữa. Thế là mày đi tàu Thống Nhất chuyến
11 giờ à?
Vân gật đầu. Nàng nhìn vẻ quý phái trên gương mặt hồng hào của Đan,
khẽ nhói lên một nỗi đau ghen tị.
- Thực tập với Yvonne de Philbert thế nào? Sao về sớm thế?
- Xong hết rồi mày ạ. Có muốn ở người ta cũng kiên quyết đuổi
về.
- Thế mày định đi đâu? Sài Gòn, Huế hay Đà Nẵng? Sao không đặt vé
bay lại đi tàu thế hả? Mà nãy giờ tao không thấy chồng mày?
- Mày toàn hỏi một tràng như thế thì tao biết trả lời thế nào – Đan
lắc đầu, thoáng cười – Tao đi Huế, sau đó sẽ đi tiếp Đà Nẵng. Đi
chơi một mình thôi. Chồng để ở nhà, cho vào tủ khoá kỹ rồi.
Vân nhìn xoáy vào đôi mắt rất sáng của bạn, nàng biết cái kiểu nói
vừa ngoa vừa buồn cười của con bé này:
- Có chuyện gì à? Sao vừa mới về mà chúng mày đã…
- Chuyện cũng dài dòng lắm. Hai bọn tao thi nhau hiểu lầm.
- Lỗi của ai nhiều hơn?
Như bất ngờ trước câu hỏi của bạn, Đan ngẩn ra một lát rồi mới lẩm
bẩm:
- Không biết nưa, chắc của tao nhiều hơn.
- Vậy thì giải thích xin lỗi.
Nói xong câu ấy một lát Vân mới cảm thấy ngạc nhiên và cay đắng với
chính mình. Đan đang ngó nàng lạ lẫm. Có lẽ chưa bao giờ nó nghĩ
đến chuyện Vân, một người thích đối xử phũ phàng với đám mày dâu
lại đưa ra lời khuyên như vậy. Nàng nhìn sững vào vẻ chần chừ trên
khóe môi hơi cười của nó, liên tưởng đến việc nàng đã vội chạy theo
Thanh để nói rõ chuyện hiểu lầm. Tại sao cũng là đàn bà mà nó và
nàng khác nhau tới từng phản ứng nhỏ như vậy nhỉ? Tiếng loa văng
vẳng, chẳng rõ đang nói gì. Vân bậm môi, cơn đau lại dội lên.
- Trông mày xanh quá! - Giọng đan đang lo lắng- Hay trả lại vé về
nghỉ để mai hãy đi.
- Không được.Tao cần đi gấp.
- Vậy thì cứ ngồi yên ở đây để tao sang đường mua thuốc.
Đan đứng dậy quay người bước đi, như sực nhớ ra điều gì, nó quay
lại nhìn nàng cười dịu dàng:
- Cảm ơn mày.
Vân hiểu nó định cảm ơn nàng vì điều gì nhưng không lắc cũng chẳng
gật, chỉ đưa mắt theo dáng đi thanh thản của nó cho đến khi mất
hút. Xách chiếc túi của mình lên, nàng bước về phía cửa ra tàu, cúi
mặt cố để không bật lên tiếng nấc. Trên băng ghế mà nàng và Đan vừa
bỏ lại, cuốn Lonely Planet nằm trơ trọi. Giờ chỉ còn mình nàng
trong cái thế giới đầy đe dọa này…
***
Vân nằm trên tầng 2 của một khoang sáu giường. Không gian chật hẹp
bí bức. Mùi thuốc lá từ phòng bên cạnh bay sang khiến nàng càng
ngạt thở. Đắp tấm chăn nỉ màu lờ nhờ khen khét một thứ mùi công
cộng, nàng cảm thấy cơn buồn nôn dâng lên, không phải cảm giác nôn
nao đầy hy vọng mấy tuần trước mà là một cảm giác trống rỗng đến
quặn lòng. Tàu chuyển bánh, nhịp rung lắc đều đều, những âm thanh
nằng nặng nện trên đường ray đều đều, ngay cả tiếng rì rầm trò
chuyện của hai mẹ con giường bên cạnh cũng đều đều. Vân nhắm mắt
nhớ lại những lời nói rin rít của người đàn bà mà nàng đã từng hy
vọng sẽ gắng yêu thương kính trọng như mẹ mình…
Tiếng động và mùi cháo toả ra từ chiếc cặp lồng nhôm quen thuộc
đánh thức Vân dậy. Không phải Thanh hay ông Túc mà là bà Nhã và bà
Nhu. Hai nụ cười, tươi, ngọt.
- Vân cũng tinh nhỉ. Thấy mùi cháo là tỉnh ngay!
Nàng không bày tỏ cảm xúc, hững hờ đón lấy bát cháo. Cháo tim gan,
còn nóng và rất thơm. Nàng không thể nào nuốt nổi. Câu nói đùa cố ý
vừa xong của bà chủ tiệm áo cưới khiến cổ nàng đắng ngắt.
- Vân ăn đi… - bà Nhã khẽ nâng bát cháo trong tay nàng - Cháo tim
gan bác mua ở Trần Nhân Tông đấy. Ăn cho chóng khoẻ…
Bà Nhu tiếp tục mỉm cười, giơ tay sửa lại bó hoa trên nóc tủ:
- Phải đấy, ăn đi cháu ạ. Ăn cho hết, kẻo Thanh nó lại trách mẹ
không biết chăm vợ.
- Kìa mình, người ta bảo rồi mà… - bà Nhã gắt nhỏ - Vân với Thanh
chúng nó đã cưới đâu mà vợ với chồng, nghe thế rồi các bác ở đây
cười cho.
Đến đây thì Vân không thể nuốt nổi nữa. Nàng có cảm giác mình bị
lột trần và phơi ra giữa căn phòng chật ních người bệnh và người
chăm bệnh bởi câu nói ngọt ngào đến lạnh gáy của người đàn bà trước
mặt. Nàng muốn phản ứng lại bằng một lời chua cay ngoa ngoắt nào đó
nhưng không sao nghĩ ra được, dường như đầu óc nàng đã bị tê liệt
cả rồi. Hai người đàn bà vẫn người tung người hứng qua lại bên
giường nàng:
- Hoa hồng đẹp quá. Có phải cái cậu đi Matiz đỏ hôm nọ tặng không
cháu? (Quay ngoắt sang đề tài khác, mặt vụt buồn) Nhu ơi, mình nhớ
không, chị thằng Thanh mà người ta bỏ mất ấy, cũng định đặt tên là
Hồng Nhung đấy. (Bần thần nhìn sang Hạnh Nhu mếu máo) Hích, số
người ta vô phúc, cái mạng của con cũng không giữ được để mà đặt
tên.
- Phải rồi, con bé hồi đấy hơn sáu tháng mình nhỉ. Nghĩ lại mà
thương quá! (Đưa tay chậm nước mắt).
- Hích. Con bé giống anh ấy như lột. Mình chỉ kịp chìn mặt nó một
lần. (Nghẹn ngào) Giá mà nó bỏ mình đi sớm thì còn đỡ…
- Ừ, kể ra như thế mà lại hơn, bỏ đi từ lúc chưa rõ hình, có gì
cũng… (liếc Vân một cái) dễ ăn dễ nói…
- Cháu xin phép, cháu ra ngoài một lát – Vân đặt bát cháo xuống đầu
giường đi như chạy ra ngoài hành lang. Những lời kể lể vẫn vo ve
đuổi theo nàng như một bầy ong độc. Nọc của chúng làm ngạt thở,
nàng cần có một khoảng không, nàng khát nước. Nàng nghĩ tới khuôn
viên phía sau dãy phòng bệnh. Nàng lao về phía ấy. Nhưng một hình
ảnh đập vào mắt nàng, trên băng ghế, Thanh đang nắm tay và cười với
Hạnh Phương, nụ cười ấm áp…
Vừa đúng lúc đó, một tia nắng yếu ớt lọt qua cửa kính chiếu thẳng
vào chiếc giường hẹp trong khoang tàu. Trong hệ thống loa, người
phát thanh viên nói ngọng đang lải nhải một cái tên ga miền Trung
lạ lẫm.
* * *
Bất chấp chiếc biển cấm, Thanh dựng xe trên hè phố, thất thểu đi
vào trong ngõ. Thêm một buổi sáng tìm kiếm không kết quả còn niềm
hy vọng thì cứ thế vơi dần. Con mèo nằm buồn thiu trước cửa, cái
đuôi đập chầm chậm theo một nhịp chán nản, thấy chàng nó cũng chẳng
buồn nhúc nhích đứng lên. Ông Túc đang loay hoay rang cơm trong
bếp, chiếc chảo nông cập kênh trên kiềng bếp gas quá khổ, đôi đũa
dài lều nghều đến là vụng.
Thanh bước lại nhìn đăm đăm vào chiếc chảo một lát rồi cất giọng
mệt mỏi:
- Vẫn không có tin tức gì bố ạ.
Ông già lách khỏi gian bếp, chẳng nói chẳng rằng, sắp xếp bàn ăn
mâm bát. Hai chiếc bát con, hai đôi đũa buồn thiu. Ngay cả tờ lịch
trên tường cũng không còn giống màu xanh mà trở nên xám xỉn. Sinh
khí trong ngôi nhà này dường như đã theo chân con bé biến đi mất
rồi.
Bữa cơm chỉ có hai người đàn ông và một chảo cơm rang trứng. Con
mèo cũng không buồn lim dim cái vẻ háu ăn nữa, nó cứ mở to mắt nhìn
ngơ ngác rồi lại cất lên những tiếng meo meo não lòng. Bà Nhã bước
vào đem theo làn gió hút, chiếc áo da màu huyết dụ cũng trở nên bầm
tím vì ánh sáng lờ mờ mà mùa đông lười biếng rọi qua những ô cửa
nhỏ.
- Sao ăn uống tối om om thế? Bật đèn lên đi chứ.
Miệng nói, tay bà lần công tắc. Ánh đèn trắng nhợt nhạt phủ lấy cả
ba người. Thanh ngước lên, mẹ và cha đều ở đây nhưng chàng không có
một gia đình. Lặng lẽ nhai trệu trạo cho qua bữa, chàng lấy ấm pha
trà.
- Rét gì mà rét khiếp! Ở bên kia có rét nhưng không buốt thế
này…
- Cơm nước kiểu gì mà có mỗi tí hành tí trứng thế? Sao không gọi
hàng cơm bình dân đầu ngõ thêm mấy miếng chả với bát canh?
- Ơ, cái con mèo này hay nhỉ, ai cho mày ăn mà mày sán lại…
Chẳng ai hưởng ứng những câu xuýt xoa của bà Nhã. Con mèo sau khi
bị từ chối cũng lặng lẽ bỏ đi. Không khí trong nhà cứ như quánh
lại. Và tiếng chuông điện thoại vang lên làm cho cái khối đặc quánh
ấy vỡ oà ra:
- A lô – Thanh nhào đến vồ lấy máy – Vâng, đúng rồi ạ. Vâng, đúng.
Vâng, màu hồng ngả xám. Cảm ơn anh…
Tắt chiếc máy, chàng nhìn hai người còn lại bằng con mắt trống
rỗng. Giọng tắc nghẹn:
- Tìm được xe ở bãi sông Hồng.
Người đàn ông đội mũ bảo hộ cằp cặp ý chừng là người coi thầu gõ
đất bám trên yếm chiếc xe, chép miệng:
- Công nhân bảo là xe máy tôi còn không tin, nghĩ là phao giao
thông hỏng giạt vào cơ. Cũng may nước cạn nên buộc dây vào kéo một
lúc là lên, không phải huy động xúc.
Thanh chết lặng nhìn sợi dây thừng lòng thòng ở tay lái, trên đó có
một sợi dây dù mà đất phù sa đã biến màu xanh nguyên thuỷ của nó
thành một thứ màu chết chóc, hẳn là nàng đã lồng bàn tay đầy gân
xanh vào nó như một mối ràng buộc cuối cùng... Chàng hít sâu và dằn
cơn đau ở ngực lại, dõi mắt về phía hạ nguồn. Dòng nước đục lờ
tưởng như bình yên kia có lẽ đã cuốn đám mây sáng của chàng ra phía
biển mất rồi.
Chiều dần buông trên mặt sông, một buổi chiều đông thê lương. Thanh
vẫn đứng như trời trồng giữa bờ kè ngổn ngang lồng lộng gió. Bà Nhã
ngọt ngào chìa mấy bao thuốc lá ngoại, nói gì đó cảm ơn đội thi
công kè. Ông Túc thì khoanh tay ngó nghiêng bên cạnh, không có cử
chỉ nào bày tỏ rằng ông quan tâm đến sự việc. Liếc chồng cũ một cái
ngán ngẩm, bà đến bên Thanh:
- Xong rồi, về thôi con!
- Mẹ để con đứng đây thêm lúc nữa.
- Có gì mà đứng nữa con ơi! Nó…
Thanh quay lại chặn ngang dòng thuyết giảng phân tích mà chàng đã
quá rõ của bà Nhã, chàng nói nhanh và tránh nhìn vào mặt mẹ:
- Thôi, mẹ cứ về trước đi kẻo dượng Thọ chờ.
- Thế còn việc…
- Để con gọi taxi cho mẹ.
- Sao con cứ chặn ngang lời mẹ thế hả?
- Con xin lỗi mẹ.
- Con có biết là…
- Thôi cô đi về đi! - ông Túc nãy giờ giữ vẻ bàng quan bỗng lên
tiếng, giọng nghiêm nghị chưa từng thấy - Lát nữa tôi chở con
về.
- Anh vẫn còn biết lo cho thằng bé hay sao? Tôi tưởng anh chỉ biết
cắm đầu vào mấy cái xe. Mấy hôm nay trong khi tôi chạy đôn chạy đáo
thì anh ở nhà bình chân như vại…
- Đây không phải lúc cô giở cái trò ăn nói xảo quyệt ra nhập nhèm
trắng đen đâu. Tôi chưa hỏi đến chuyện hôm nọ cô với con Nhu làm gì
đấy!
Lời của ông Túc làm người đàn bà đang hung hăng bỗng như nhũn ra.
Bà quay người đi thẳng. Những bước chân bực bội dằn lên đám đá hộc
khấp khểnh. Thanh nhìn theo buông tiếng thở dài:
- Vừa rồi bố bảo mẹ với cô Nhu làm sao?
- Không có gì. Mấy chuyện nhố nhăng thôi. Đứng dẹp vào đây con, đất
nó lở một cái bố không kéo mày lên được đâu!
Thanh lùi vào phần kè đá. Chàng nhìn vẻ bình tĩnh như không của ông
bố và thấy cơn đau ở ngực dịu đi một phần. Ông không an ủi, không
nói những lời đầy đạo lý có trước có sau vẹn tròn sáo rỗng, ông chỉ
lo cho chàng bằng cái cách riêmg hơi lạ lùng của mình. Và nhìn vào
gương mặt thẫn thờ của ông lúc này, chàng biết là ông thương yêu
Thái Vân cũng như thương yêu chàng vậy.
- Mình về kẻo tối bố nhé.
- Ờ. Thằng Còi ở nhà chắc đói meo rồi. Đưa chìa khoá đây tao đi cho
nhanh.
Chiếc Vespa lọc xọc chạy trên con đường dọc bãi sông, Thanh gục mặt
vào bờ vai gầy gò của cha, gió thổi buốt da, bóng tối và lớp khăn
len của ông Túc biết là chàng khóc.
Hai năm sau.
Người đàn ông trẻ đi dọc bờ sông. Không mũ nón, cũng chẳng có ô hay
áo mưa, người đàn ông khom người giấu chiếc máy ảnh vào bên trong
vạt áo gió. Hội An mùa đông thật ẩm ướt và ảm đạm. Những mảng rêu
xanh trên mái ngói và ánh mắt của những người đang lầm lũi đi dưới
làn mưa đan chéo dường như sẫm lại vì hơi nước.
Quán café nhỏ xíu mở cửa trông ra sông, những gương mặt lạ lẫm bình
yên nghiêng nghiêng dõi ra mặt sông, nơi có những con thuyền sơn
xanh đỏ đậu túm tụm, những con mắt vẽ trên mũi thuyền như hờ khép
trước những giọt mưa uể oải. Chọn một bàn trong cùng, người đàn ông
quay lưng lại với tất cả, hướng gương mặt hơi tái đi vì rét vào bức
tường nơi chỉ có chiếc bảng con quảng cáo cho tour du lịch đi Cù
lao Chàm. Những sợi tóc ngắn bết trên vầng trán khôi ngô, đôi mắt
nâu sau cặp kính và đôi môi mím chặt khiến anh mang một vẻ trầm mặc
u uẩn như thể triết gia. Chiếc quần jeans hơi bạc, chiếc sơ mi kẻ
sọc nhỏ bên trong và chiếc áo gió bên ngoài đều không có gì đặc
biệt nhưng toát nên vẻ thanh lịch. Và nếu anh không gọi cà phê bằng
tiếng Việt có lẽ mọi người vẫn tưởng anh là một khách du lịch Nhật
Bản Hàn Quốc nào đó như khi mới bước vào.
Cởi áo khoác máng lên thành ghế, dùng tay áo sơ mi lau mấy giọt
nước từ trên tóc vừa nhỏ xuống chiếc máy ảnh không còn mới, anh
chậm rãi nhấp từng ngụm cà phê đắng ngắt và lật giở một vài tờ rơi
giới thiệu khu đô thị cổ. Vòng chung khảo và lễ trao giải thưởng
tin học Trí tuệ năm nay không tổ chức ở Hà Nội mà lại chuyển vào Đà
Nẵng. Mấy ngày bảo vệ kéo dài tưởng như không bao giờ chấm dứt. Anh
chán nản giao lại việc trình bày cho mấy người cùng nhóm và bỏ đi
Hội An. Dù sao, lễ trao giải sẽ diễn ra vào giữa tuần sau và phần
mềm về an ninh mạng của anh đã cầm chắc một giải tàm tạm nào đó.
Anh không cần phải mất quá nhiều thời gian vào nó khi mà thời tiết
và khung cảnh đang khiến tâm trạng anh quay quắt nghẹn ngào.
Nàng bỏ anh đi cũng vào những ngày đông buốt giá như thế này. Nàng
đi, mang theo những ngày tình yêu như trong giấc mộng và niềm hạnh
phúc vô bờ, bỏ lại cho anh nỗi đau đớn và một tâm trạng triền miên
trống rỗng. Anh không thể nguôi, không thể quên, không thể thôi
thương nhớ. Anh cũng chẳng thể tin nổi rằng nàng đã không còn. Mỗi
sáng thức dậy, anh vẫn tưởng rằng nàng sắp đến bên anh với nụ hôn
và những lời yêu thương nồng nàn cho một ngày mới. Hàng đêm, trong
những cơn mơ chập chờn hư hư thực thực, nàng ở trong vòng tay anh,
mải miết đam mê như chưa từng xa cách bao giờ. Đã hơn hai năm rồi,
anh chìm đắm trong thế giới riêng đầy ắp bóng hình của nàng với một
nỗi ân hận dày vò.
Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày
Có sợi tóc nào bay, trong trí nhớ nhỏ nhoi
Không còn, không còn ai, ta trôi trong cuộc đời…
Chiếc loa cũ kỹ phát ra những câu hát vô tình như mũi dao lách nhẹ
vào trái tim đã chất chứa buồn đau của người đàn ông, anh tựa vào
thành ghế để ghìm đôi vai run rẩy. Lặng lẽ bỏ kính ra lau và chấm
nhanh lên khoé mắt hoe đỏ, anh quay người lại, nhìn ra con sông
tràn nước.
Thường thì anh không thích ngắm sông, dòng nước rộng gợi cho anh
những liên tưởng tang tóc. Nhưng sông ở Hội An mang một nét đẹp đặc
biệt, ngay cả vào mùa lũ nó vẫn có vẻ nhỏ bé đến nao lòng, và con
phố ven bờ sông với những người trùm áo mưa đạp xe chậm rãi thì
trầm lặng như thể những thước phim quay chậm nhạt nhoà. Đưa máy ảnh
lên ngắm bâng quơ một lát, anh chỉnh nét để chụp một chiếc xích lô
đang chầm chậm đi qua. Mới bấm được hai kiểu, vai anh bỗng bị huých
nhẹ bởi cái khuỷu tay của một người phục vụ. Ống kính chệch hướng
và trong khuôn ngắm hiện ra một người đàn bà đang vén áo mưa để
ngồi lên xe đạp.
- Thái Vân!
Không để ý tới lời xin lỗi của cô gái chạy bàn, Thanh lao ra ngoài.
Mưa vẫn rơi và phố vắng tanh. Khi nãy, qua khuôn ngắm hẹp, chàng
thấy một hình ảnh quen thuộc. Gương mặt nghiêng nghiêng khuất sau
chiếc nón nhưng dáng ngồi và vóc người thì giống Thái Vân y hệt.
Chàng nhìn quanh quất. Chàng dụi mắt, đôi mắt nhoè vì nước mưa hay
nước mắt, chính chàng cũng chẳng rõ nữa. Người đàn bà với chiếc áo
mưa xanh đã biến mất. Như là một ảo ảnh.
- Anh Thanh!
Tiếng nói vui vẻ cất lên từ phía sau. Một cô gái trẻ giương chiếc ô
màu bạc chạy tới chỗ chàng, giọng Sài Gòn ngọt ngào:
- Thì ra anh đứng chỗ này, đi tìm anh muốn chết.
- Sao Uyên lại ở đây?
- Uyên hỏi anh Khanh, anh Khanh nói anh đi Hội An từ sáng sớm. Trời
ơi, nãy giờ chạy lòng vòng lạc đường mắc cười quá.
- Thi cử có trục trặc gì à? Sao không gọi điện để anh về?
- Điện thoại anh lúc nào cũng không liên lạc được hết. Làm
Uyên…
- Nhưng có chuyện gì?
- Không có chuyện gì đâu à! Uyên… Uyên chỉ muốn gặp anh thôi.
Thanh lắc đầu, chàng quay trở lại quán café. Uyên cũng lúp xúp chạy
theo. Cô vuốt vuốt mái tóc có đọng những giọt nước li ti và nhìn
vào gương mặt không rõ vui buồn của Thanh. Chàng như đang ở trong
cõi khác, đôi mắt nâu sau cặp kính trở nên mơ màng, đôi môi không
còn mím chặt mà hé mở gần như nụ cười làm cho chàng càng quyến
rũ.
Uyên là nhân viên văn phòng phía Nam của công ty. Cô mến Thanh ngay
từ cái nhìn đầu tiên khi cô ra Hà Nội họp và Thanh đón cô ở văn
phòng với gương mặt hiền hoà nhưng xa cách. Mấy ngày làm việc, cô
càng thấy rằng trực giác của mình đã không nhầm. Thanh là một người
đàn ông khá lý tưởng với bất cứ người con gái nào. Chàng không đẹp
trai nổi bật nhưng sáng sủa và gọn gàng. Với phụ nữ, chàng nhẹ
nhàng và tinh tế. Dù rất thành công trong công việc, chàng vẫn
khiêm nhường. Nhưng Uyên có cố gắng thế nào thì Thanh vẫn giữ một
khoảng cách với cô. Như lúc này cũng vậy, chàng chìm vào một dòng
suy nghĩ riêng tư nào đó mà cô không thể lý giải hết.
Uyên ngọ nguậy người. Đã một lúc lâu rồi cô theo dõi những cảm xúc
trên gương mặt của Thanh. Đôi khi cô nói về vấn đề gì đó và Thanh
vẫn trả lời nhưng cô biết là chàng chẳng để tâm vào lời nói của
mình chút nào. Suy nghĩ một chút, Uyên quyết định hỏi:
- Anh nhớ chị ấy phải không?
Qua những “kênh thông tin bên lề” trong công ty mà Uyên thu thập
được thì Thanh có vợ và người đó đã qua đời cách đây vài năm. Cô
chỉ biết có vậy. Dù rất tò mò, Thanh mới 27 tuổi và nếu không có
những sợi tóc xấu bạc sớm thì trông còn rất trẻ, nhưng chưa bao giờ
Uyên dám hỏi thẳng chàng. Lần này cô đánh bạo hỏi để kéo Thanh về
với thực tại. Chàng ngẩng lên nhìn cô, nở một nụ cười buồn buồn và…
gật đầu.
Uyên cảm thấy cái lạnh của nước mưa ngấm vào người làm cô tê tái.
Vội bưng tách cà phê nóng lên nhấp một ngụm rồi nhăn mặt vì nóng và
đắng, cô hỏi tiếp:
- Chắc chị ấy đẹp lắm anh há?
Thanh mỉm cười, chàng khuấy chiếc thìa vào tách cà phê nguội ngắt
của mình rồi nhìn ra cửa quán. Mưa càng lúc càng nặng hạt hơn.
Chàng rút chiếc ví da đã sờn cũ ra lật tấm ảnh chụp Vân ở bãi đá cổ
Sapa đưa cho Uyên.
- Hình này là anh chụp? – Uyên hỏi và nhanh chóng nhận được cái gật
đầu xác nhận. Cô cảm thấy hơi thất vọng, người con gái trong ảnh
không xinh, chỉ có vẻ dễ nhìn điển hình Á Đông, thân hình đã bị bộ
quần áo mùa đông dày cộp đã che mất ít nhiều, chỉ còn nét dong dỏng
cân đối thường thường. Nhưng thần thái của gương mặt thì quả là rất
đặc biệt. Thanh đã chớp đúng lúc những nét sắc sảo trộn lẫn với vẻ
hờn dỗi hay tức tối làm cho gương mặt trang điểm khá kỹ kia trở nên
tự nhiên mà vẫn rất bắt mắt.
- Bức này anh chụp ở Sapa. Thái Vân là người Sapa. Anh và Vân bắt
đầu yêu nhau cũng ở Sapa.
- Hèn chi năm nào anh cũng đi Sapa hai lần.
- Anh Tường kể với em à?
Uyên không trả lời. Cô không muốn cho Thanh biết rằng chàng là
người đàn ông được quan tâm nhất công ty và rằng hành tung của
chàng luôn được hàng tá các bà các cô khắp các phòng ban theo dõi.
Cô hỏi tiếp:
- Giờ chị Vân ở đâu anh?
Thanh im lặng, quả thật chàng cũng không biết. Nàng đã đi ngang qua
đời chàng mang theo tột cùng hạnh phúc. Và giờ đây với niềm ân hận
rằng mình đã vô tình làm nàng tuyệt vọng, với nỗi băn khoăn không
bao giờ có lời lý giải rằng nàng đã nằm lại một góc bãi sông nào đó
hay tan vào bọt nước trôi ra biển, chàng lại tột cùng đau đớn. Và
hình ảnh quen thuộc thoáng qua khuôn ngắm vừa nãy là thật hay ảo
ảnh, chàng cũng không thể xác định được… Uyên nhắc lại câu hỏi, cô
có thói quen của một người giám thị kiên nhẫn luôn chờ đợi câu trả
lời đến cùng.
- Anh không biết, thật sự anh rất muốn biết nhưng… - Thanh chầm
chậm dõi mắt theo những vòng xoáy trong ly cà phê rồi đưa tay lên
vuốt mặt - Anh đã vô tình làm Vân bị tổn thương trong lúc Vân cần
anh nhất. Em biết phim The Piano không?
- The Pianist hay Piano Teacher chứ!
- Không, The Piano, phim từ đầu thập kỷ 90.
- Vậy thì em không biết. Thời đó em chỉ biết học thôi à. Phim ra
sao anh?
- Có một thiếu phụ tên là Ada đi lấy chồng ở tân thế giới. Ada bị
câm, chỉ nói qua tiếng đàn piano nhưng không ai hiểu kể cả người
chồng. Rồi cũng có một người hiểu được Ada, anh ta cho Ada tình yêu
bên chiếc đàn. Chồng Ada phát hiện ra và chặt đi một ngón tay của
cô. Và Ada đã buộc mình vào chiếc piano lao xuống biển.
- Phim gì mà buồn quá!
- Vân cũng chọn cách giống Ada.
- Trời ơi! Chị ấy cũng học piano hả?
Thanh lắc đầu. Chàng biết lý giải cho cô gái phương Nam ra sao đây,
khi mà cô chẳng hiểu chút gì về những ẩn ý trong các câu nói. Chàng
im lặng một lúc để Uyên tự luận ra. Khi nhìn thấy nét mặt hơi kinh
hãi của cô, chàng mệt mỏi đứng dậy. Đã gần trưa, mưa vẫn chưa
tạnh.
* * *
Thanh nghỉ lại Hội An chứ không quay về Đà Nẵng ngay trong buổi
chiều như dự định lúc đầu. Mưa không ngớt suốt ngày và tâm trạng
chàng lúc này quả thật rất bất ổn nên con đường hơn 30 cây số quay
về thành phố dường như cũng là quá dài. Uyên đòi ở lại cùng và
chàng không có lý do gì để từ chối. Thị xã này cùng với cái không
khí lặng lờ bình yên như thiên đường của nó quả thật có một sức níu
kéo lạ kỳ.
Trời sập tối rất nhanh, hôm nay là ngày thường nhưng những chiếc
đèn lồng vẫn được thắp lên, cùng với những bóng đèn con yếu ớt phủ
lên khu phố cổ một thứ ánh sáng ấm áp nhưng quá đỗi thê lương.
Thanh từ chối lời mời ăn tối ở nhà hàng Vĩnh Hưng của cô gái Sài
Gòn, xách máy ảnh rời khách sạn một mình. Chàng đi men theo vỉa hè
chật hẹp, những hiên nhà thấp chống cột gỗ sơn đen có treo đèn lồng
nối tiếp nhau làm cho chàng mất phương hướng. Nhưng phương hướng
cũng có ý nghĩa gì đâu khi khu phố quá nhỏ bé và người ta sẽ quay
lại chỗ ban đầu chỉ sau chốc lát.
Trời mưa và hàng hoá không bày la liệt bên ngoài, khách du lịch đi
lác đác, không mấy ai có hứng thú mua sắm trong thời tiết mưa rét
thế này. Một đôi cửa hàng đã bắt đầu dọn dẹp vì vắng khách, những
tấm gỗ ghép cũng sơn đen được xếp chồng ngang tạo thành một bức
tường, một cánh cửa lớn, kín đáo và cũ kỹ. Chúng làm chàng nhớ lại
những cửa hàng hiếm hoi còn sót lại ở Hà Nội. Cũng những tấm gỗ dài
ghép lại như thế này nhưng theo chiều dọc, tuổi thơ của chàng gắn
bó với hình ảnh xưa cũ đó.
Mở khoá áo khoác và cởi bớt khuy cổ áo sơ mi vì cảm giác hơi nóng,
chàng dừng trước một gallery. Gallery không có gì đặc biệt, mấy bức
tranh sơn mài, khắc gỗ, khắc bạc khá bắt mắt vì được bố trí đèn hợp
lý, chiếc Vespa Sprint màu bạc dựng ngoài hiên như một điểm nhấn
hay hay thu hút khách. Một đôi nam nữ có vẻ là người vùng Địa Trung
Hải đang chăm chú xem và bình luận một bức sơn mài khổ lớn.
Thanh cúi xuống xem chiếc Sprint, nói đúng hơn là một chiếc Sprint
lên đời từ Standard vì số khung là VBB. Hội An có khá nhiều Vespa,
phần lớn đều là xe nguyên bản và ít được tân trang, người ta cứ
dựng những chiếc xe cũ kỹ tróc lở ở vỉa hè, có chiếc còn cắm nguyên
chìa khoá, chẳng ai lấy. Riêng chiếc Sprint này thì quả thật là một
sự trêu ngươi cho những người ưa xe cổ. Số máy khác xa số khung cho
thấy đây là một chiếc xe đầu Ngô mình Sở hoàn hảo, khung mục nên
đắp quá nhiều ma-tít, cần đạp khởi động chính hiệu Piaggio sạch
bong, ống pô inox sáng loáng nhưng lại bị bịt bằng một mớ giấy báo,
đúng là chiếc xe cũng chỉ có tác dụng làm cảnh cho gallery chứ
chẳng ai dám leo lên đi bao giờ. Thật phí công làm lại!
Đôi nam nữ nước ngoài thôi xem tranh quay lại. Thấy Thanh loay hoay
xem chiếc xe, họ mỉm cười và vui vẻ bắt chuyện. Anh chồng vỗ vỗ vào
ngực nói:
- Italia… mi homeland… Vespa homeland. You… amor… love… Vespa. You…
Japan… Nippon… China?
Thanh mỉm cười, họ tưởng chàng là người Nhật hay người Trung Quốc
không biết ngoại ngữ nên nói nhát một nghe thật buồn cười. Chàng
lắc đầu, nói bằng tiếng Anh:
- Không, tôi là người Việt Nam. Tôi thích Vespa nhưng không thích
chiếc này. Nó đã bị “xào” lại quá tệ. Anh chị là người Ý?
Đúng như chàng đoán lúc đầu, đó là một đôi vợ chồng người Ý đi nghỉ
trăng mật. Họ đi theo một lịch trình khá lạ, chỉ thăm Hong Kong
trong vòng ba ngày rồi bay sang Việt Nam lang thang nửa tháng. Cả
hai đều bày tỏ sự ngạc nhiên vì người Việt Nam chịu giao tiếp bằng
tiếng Anh mà hầu hết lại nói khá dễ nghe. Anh chồng thì hớn hở vì
biết rằng Việt Nam cũng có câu lạc bộ những người chơi xe Vespa cổ,
còn chị vợ nhiệt tình nói:
- Chúng tôi ở đây đã ba ngày rồi. Có một gallery rất tốt ở cách đây
một dãy phố. Họ bán tranh tự vẽ, có cả tranh về Vespa.
- Tất nhiên không phải tranh vẽ những loại Vespa kinh khủng thế này
– anh chồng nháy mắt liếc xuống chiếc Sprint “giả cầy” đế thêm – Và
nếu anh quan tâm đến nhiếp ảnh như tôi đang nghĩ thì chủ của nó sẽ
là một người tiếp chuyện tốt đấy. Cô ta có giọng nói sexy kinh
khủng.
Theo lời chỉ của đôi vợ chồng người Ý, Thanh đi qua chùa Cầu sang
phố Nguyễn Thị Minh Khai. Sáng nay chàng đã thăm phố này nhưng một
loạt gallery bày bán những bức tranh na ná nhau khiến chàng không
chú ý lắm. Cái gallery chàng đang tìm nằm bên cạnh một ngôi nhà có
dàn hoa, hoa màu hồng từ đậm đến nhạt, xoè cánh như hoa bướm nhưng
lại kết thành chùm, chẳng rõ tên. Gallery ở trong một ngôi nhà cổ,
lớp sơn trên cột gỗ đã bạc, bậc thềm lát gạch mộc sứt sẹo, cánh cửa
với những tấm ván gài chắn gió kiểu Trung Hoa đóng im ỉm tối om,
chỉ còn ánh đèn leo lét ở tầng hai.
Thanh ngẩng lên nhìn. Tầng hai với lan can gỗ và diềm trang trí đơn
sơ. Những chiếc đèn lồng hình ống im lìm. Ánh sáng hắt ra từ một ô
cửa sổ mở rộng làm những giọt mưa lây rây đan chéo như được dát
vàng lấp lánh. Thanh giơ máy lên chỉnh chế độ night shot và bấm
thử, flash nháy một cách bất lực, ảnh rung, điểm sáng từ ô cửa biến
thành một con giun to màu vàng còn mưa thì chỉ nhoè mặt ống kính.
Chàng thầm tiếc vì đã bỏ chiếc tripod lại Đà Nẵng. Mở khẩu và chỉnh
ISO lên cao hơn vẫn không ăn thua, chàng đặt máy theo chế độ
action. Lần này khá hơn, nhưng chức năng tự động tìm vật thể “trứ
danh” của Canon lại tóm ngay lấy chiếc đèn lồng treo trên cao và
làm cho nó nổi bật lên. Thanh tiếp tục bấm vài kiểu nữa. Vẫn không
có bức ảnh nào ghi lại được thứ ánh sáng vàng vọt viền quanh những
sợi mưa như chàng muốn.
Gỡ kính xuống lau, Thanh khẽ lắc đầu với chính mình. Hai năm qua
liên tục đốt thời gian bên máy tính, mắt chàng đã kém đi nhiều, và
khả năng chụp ảnh thì giảm sút tệ hại. Lâu lắm rồi chàng không vào
diễn đàn nhiếp ảnh trên mạng. Tường - sếp của chàng hiện giờ - vẫn
thỉnh thoảng có thông báo về những họp mặt offline và đi chụp dã
ngoại nhưng Thanh không bao giờ còn tham gia những hoạt động đó
nữa. Thỉnh thoảng chàng log in vào mạng Tinh thần Việt Nam nhưng
không viết gì cả, chỉ mở hộp thư riêng để đọc lại những tin nhắn từ
một cái nick không bao giờ online nữa.
Ánh sáng hắt xuống bỗng thay đổi, Thanh ngẩng lên nhìn, ô cửa đã
khép lại một nửa và hình như có người đang đứng sau chấn song. Có
lẽ chủ nhà thấy chớp đèn máy ảnh liên tục nên ra xem.
- Xin lỗi -chàng vừa nói vừa đeo lại kính - Tôi không cố ý làm
phiền.
Ô cửa trống trơn không một tiếng trả lời. Thanh cho máy ảnh vào bên
trong vạt áo, lầm lũi đi về phía chùa Cầu. Được vài bước, chàng
quay đầu nhìn lên tầng gác của ngôi nhà. Cánh cửa còn lại khép hờ
vẫn đang lay động, rõ ràng vừa mới có người chạm vào nó. Và cảm
giác bị dõi theo đang làm gáy chàng nóng bừng.
* * *
...............................................................
bạn đang đọc truyện tại yeutruyen.wapsite.me chúc các bạn vui vẻ
....................................................................
Điểm dịch vụ internet không đông lắm, chỉ có môt vài người khách
ngoại quốc vào check mail rồi vội vàng đi ra. Thanh ngồi trong một
góc khuất tập trung viết bức mail báo cáo sơ qua tình hình thi cử
với lãnh đạo công ty ngoài Hà Nội. Vừa gửi mail đi, chàng đã thấy
Tường online trên Yahoo Messenger. Anh chẳng nói gì về việc chàng
bỏ đi chơi, hỏi ngay:
- Hội An có gì hay không?
- Mưa suốt, buồn nhưng dễ chịu anh ạ.
- Ngoài này đang rét đậm, cả lũ đua nhau ốm. Chú cẩn thận giữ sức
khoẻ để anh còn bóc lột nhé. Mang máy ảnh chứ hả?
- Dạ có.
- Ra được kiểu nào ngon ngon chưa?
- Xem trên máy ảnh thì tạm được, em chưa đổ ra máy tính nên cũng
không rõ lắm.
- Thấy bảo em Uyên theo chú đến nơi đến chốn hử? Em đấy xinh ngoan
nhưng cũng phiền nhỉ!
- Không có gì… em cứ kệ thôi.
- Hay chú xem thế nào gật bừa với con bé đấy đi. Nó thật thà lại dễ
bảo, coi như ổn định cho xong. Cũng mấy năm rồi còn gì.
Thanh gửi một biểu tượng mặt mỉm cười. Tường không phải người đầu
tiên nói với chàng như vậy. Bạn bè Vân rồi cả mẹ nàng đều đã nhiều
lần khuyên nhủ chàng rằng hãy tìm một người khác phù hợp, rằng hãy
nghĩ tới tương lai. Nhưng Thanh thường đáp lại sự quan tâm lo lắng
ấy của mọi người bằng một nụ cười trầm lặng. Hiện giờ, tương lai
với chàng chỉ là công việc và công việc mà thôi. Nhờ công việc,
chàng đã vượt qua được những ngày tinh thần suy sụp: Bị ép bỏ việc,
Vân ra đi, thất vọng vì người mẹ mà chàng đã vô cùng kính trọng và
không ngớt dày vò ân hận tự trách mình…
Bên công an nói rằng không tìm được xác nên chỉ coi là Vân mất
tích. Chiếc Vespa mini được trả lại. Không có đám tang, cũng chẳng
có kết luận gì rõ ràng. Chỉ đến khi Thanh dọn dẹp đồ đạc Vân để lại
và tìm thấy trong chiếc usb của nàng những file Word rời rạc ghi
đầy những tâm sự, chàng mới biết rằng nàng đã buồn, đã thất vọng
rồi tuyệt vọng thế nào.
Ngày…
Tôi mua một lọ Chanel 5 tặng bà ấy. Bà ấy cảm ơn ngọt ngào và ngay
lập tức nói rằng lọ nước hoa tôi mua có thể lên Móng Cái đem về
hàng lố với giá vài chục ngàn một lọ. Tôi không nói lại câu nào.
Tôi sợ cái vẻ thản nhiên của người mà anh gọi là mẹ. Trước mặt anh,
bà vẫn vồn vã với tôi. Nhưng chỉ cần anh quay đi một phút thôi, cái
nhìn lạnh lẽo cười cợt kia sẽ lấy tôi làm đích ngắm. Tôi thử lựa
lời nói với anh cảm giác đó. Và tất nhiên, vì bà ấy là mẹ, anh đã
nhanh tay gạt đi những lo lắng lộn xộn của tôi.
Ngày…
Bà ấy vẫn chưa đi. Tôi cầu mong sao cái khoảng thời gian khổ sai
hơn một tháng này sớm kết thúc. Tôi sắp sửa không còn kiên nhẫn nổi
với những cú điện thoại lôi anh ra khỏi vòng tay tôi lúc nửa đêm
rồi. Và cả cái cách so sánh đầy miệt thị kia nữa. Tôi lớn tuổi tôi
nghèo tôi không phải dân thành phố, tại sao người ta cứ đem những
tiêu chuẩn ra cân đo đong đếm rồi so bì chứ? Còn tình yêu của tôi,
sao không ai cân, không ai đếm, kể cả anh?
Ngày…
Tôi càng lúc càng không khoẻ. Không ăn được và luôn mệt mỏi. Có lẽ
tôi bị đau dạ dày. Anh nói là sẽ đưa tôi đi khám. Nhưng hình như
anh quên mất câu nói trong lúc ngái ngủ đó rồi. Giờ đến cả việc gần
gũi tôi anh cũng vội vàng thì làm sao còn thời gian cho những quan
tâm chăm sóc. Thậm chí gần đây tôi lại có cảm giác hoảng sợ, tôi
thấy bất an. Tôi có thể chia sẻ với ai đây khi người luôn lắng nghe
tôi nhất cũng mất hết kiên nhẫn.
Ngày…
Tháng này “nó” đã chậm một tuần. Chẳng lẽ chỉ một lần tôi quên uống
thuốc mà đã… Nếu như vậy thì những cơn buồn nôn của tôi không phải
vì bệnh dạ dày. Tôi có nên hy vọng không? Tôi gọi cho mẹ, định hỏi
nhưng rồi lại thôi, mẹ làm lụng như điên, chẳng có cảm giác nghén
bao giờ. Nếu như cách đây hai tháng, có lẽ tôi không hề băn khoăn
vì phản ứng của anh, đó sẽ là hân hoan vui mừng, sẽ là dịu dàng chờ
đợi. Nhưng bây giờ thì tôi không dám chắc. Tôi hẹn anh đi ăn trưa,
11h25’ anh nhắn tin nói rằng bận việc không đi được. Tôi gọi lại
thì anh từ chối cuộc gọi, anh bận đến vậy sao?
Ngày…
Trưa nay định gọi cho anh để nói về kết quả thử lúc sáng thì anh đã
gọi trước. Không phải vì nhớ ra lời hẹn đưa tôi đi khám, cũng chẳng
phải vì anh muốn gặp tôi, mà là vì cái hẹn ăn cơm chia tay với bà
ta. Tôi nghe anh dập máy vội vàng, thấy buồn vô hạn. Tại sao anh
không nói thêm với tôi một câu, chỉ một câu thôi có nhiều nhặn gì
hả anh? Những file nhật ký gõ vội trong giờ làm việc đến đấy là
ngừng nhưng những gì làm Thanh day dứt ân hận không chỉ có
vậy.
* * *
Sau đợt rét đậm, trời bắt đầu hửng dần. Khô ráo, lạnh nhưng không
quá buốt. Thanh lặng lẽ ngồi ở quán café vỉa hè. Cô bé bán hàng
bưng tách cà phê nóng đưa cho chàng kèm theo một nụ cười ái ngại.
Mọi người ở cái cộng đồng café này đều đã biết chuyện của chàng
rồi.
- Em lấy thêm bơ cho anh nhé.
Chàng gắng mỉm cười với cô bé biết lấy lòng khách, lắc đầu. Đã sắp
Giáng sinh rồi, đường phố ngập tràn những biểu tượng vòng lá thông,
quả chuông và những hình nộm ông già tuyết. Sau Giáng sinh năm ngày
sẽ là sinh nhật nàng. Liền sau đó sẽ là kỳ nghỉ năm mới dương lịch.
Chàng đã nghĩ tới bao nhiêu dự định, một đêm trắng đi chụp ảnh
không khí đón Giáng sinh ở Hà Nội, một bữa tiệc sinh nhật cùng với
câu lạc bộ Vespa và chuyến về ra mắt mẹ nàng đầu năm mới. Không còn
gì cả, nàng đã đi rồi…
* * *
Người chủ điểm dịch vụ internet tới bên Thanh nhã nhặn nói rằng họ
chuẩn bị đóng cửa. Dãy ghế gỗ đẹp như ghế ngoài bãi biển đã được
xếp gọn, những màn hình không còn tín hiệu đơn điệu một màu đen,
chỉ còn Thanh với ô cửa sổ chat đầy những ký hiệu buzz kêu gọi của
Tường và một vài người bạn khác. Chàng đã quên bẵng thời gian, sắp
nửa đêm.
Trời đã ngớt mưa, chút bụi hơi nước lây rây trong ánh đèn đường
nhợt nhạt. Những ngôi nhà đóng kín cửa, hàng cây to bên đường cũng
như say ngủ, Hội An về đêm thanh bình tới độ cơn xúc động của chàng
cũng thôi cuộn dâng mà lắng xuống như một lớp cặn đắng ngắt trong
lòng. Thay vì rẽ trái để xuôi theo đường Hoàng Diệu sang Cẩm Nam
trở về khách sạn, Thanh lại mải miết đi dọc phố Trần Phú để mong
tìm lại phần nào cái cảm giác của quá khứ. Một đêm cuối xuân gió
lốc, Sapa im lìm, Vân vừa đi vừa hát, chàng lắng nghe, thấy hạnh
phúc len nhè nhẹ vào tim.
Phố cổ Hội An không thật sự say ngủ như phố núi Tây Bắc. Có tiếng
máy khâu rào rào khe khẽ hoà với tiếng bước chân thi thoảng lép bép
vì giẫm vào vũng nước của Thanh. Những hiệu vải kiêm nhà may trải
đều khắp phố, tất cả đều treo biển may đồ nhanh. Khách du lịch có
thể đặt đo tối hôm trước và sáng hôm sau đã có quần áo mặc. Chính
vì vậy mà thợ may làm việc thâu đêm. Chàng đi chậm lại để lắng nghe
những âm thanh chứng tỏ sức sống hối hả của thị xã tưởng như tĩnh
tại này. Ánh đèn lọt qua những khe cửa gỗ nhỏ hẹp, thi thoảng có
tiếng người, giọng Quảng Nam vui tươi như hát. Một vài giọng nói
tiếng Hoa mà chàng biết là của người Quảng Đông vang lên nghe nằng
nặng và kéo dài. Không có bài dân ca Phúc Kiến nào cả nhưng chàng
vẫn khẽ huýt sáo theo điệu nhạc còn vang vọng trong trí nhớ:
“Trời không gió, trời không mưa, trên trời có vầng dương.
Vầng dương lặn, vầng trăng lên, lại một đêm dần qua…
Em vẫn nghĩ rằng lấy chồng phải lấy người như anh.
Đêm đêm ngước nhìn trăng, mơ có anh bên cạnh.
Hoa trên mặt đất nở vì ai, uyên ương dưới nước thành đôi vì
ai.
Thả chiếc khăn tay theo gió bay đến bên anh.”
Có hai người dân phòng cầm gậy đi tuần đêm. Thấy người khách đeo
máy ảnh vừa đi vừa huýt sáo, họ mỉm cười độ lượng. Thanh đáp lại nụ
cười của họ và tiếp tục hồi tưởng…
* * * Ngồi được một lát thì quán café vỉa hè bị công an đuổi. Đám
khách lao xao nhốn nháo cầm ghế đứng dẹp hết vào trong nhà. Nhìn
những gương mặt lờ đờ luôn làm ra vẻ quan trọng hoá của những người
mặc cảnh phục trên chiếc xe tải nhẹ, Thanh chán nản đút tay vào túi
áo. Mấy chục con mắt ở góc vỉa hè này đều ánh lên vẻ chán ghét bực
bội với đám người này. Một vài người trong số họ mang danh là người
bảo vệ luật pháp nhưng chỉ giỏi hống hách với những thị dân buôn
bán nhỏ nhặt. Khi đám con ông cháu cha hay nhà giàu nghênh ngang
phá phách, họ làm ngơ hoặc tệ hơn là ăn tiền để dung túng cho
chúng… Và không mấy người dân còn nhìn họ với đôi mắt thiện cảm
nữa.
Để mặc chiếc Best tã bị mấy ông dân phòng đưa lên xe ô tô chở về
phường, Thanh đi bộ về nhà. Đằng nào thì trong túi chàng cũng chẳng
đủ 50 nghìn tiền phạt để nộp cho đám trật tự hè đường.
Nhà vắng teo, ông Túc có lẽ chạy ra chợ hay đi mua báo, con mèo
lười biến đâu mất, đến đám trẻ con hàng xóm cũng không thấy nô đùa.
Thanh nằm vật ra giường nhìn lên khoảnh trời con phía trên chiếc
cửa tò vò, gặm nhấm sự yên tĩnh bao trùm khắp căn nhà nhỏ và những
ý nghĩ miên man về nàng… Đám mây sáng của chàng đã bay về phía chân
trời, vậy mà chàng vẫn tưởng như nàng sắp bước vào nhà đem theo nụ
cười và hơi ấm của bữa cơm gia đình ngày Chủ nhật. Cả chàng và nàng
đã hạnh phúc biết bao với những bữa cơm chẳng có gì nhiều nhặn khi
ba người nói chuyện vui vẻ, đôi khi có tiếng kêu líu ríu đòi ăn của
con mèo xen vào…
- Ngoéoooo.
Tiếng kêu thảm thiết của con mèo khiến Thanh bừng tỉnh, chàng còn
chưa kịp ló đầu khỏi gác xép xem có chuyện gì thì đã thấy tiếng
chửi vang lên. Giọng mẹ chàng, nanh nọc và tục tĩu, và rất thản
nhiên như thể đó là lời nói hàng ngày. Một câu chửi quá nặng dành
cho một con vật nhỏ bé.
- Gớm, đồng bào xa tổ quốc đã lâu mà vẫn chửi thuần An na mít ra
vần ra điệu như xưa, nhỉ! - Giọng ông Túc vang lên tưng tửng.
- Thằng Thanh đâu?
- Đi chơi rồi.
- Sao lại đi chơi?
- Thế cô bảo nó phải đi đâu? Đi chết chắc!
- Anh im mẹ anh đi. Không có gái này thì cả họ nhà anh cũng chết
đói từ lâu rồi!
- Vâng, cảm ơn cô đã nhờ mẹ cô bố thí cho tôi một cái áo lông với
một bộ xích líp Mifa về nuôi cả họ tôi trong suốt ba chục năm qua!
Tôi đội ơn cô lắm lắm. Bố tôi đến lúc chết vẫn nhớ ơn cô.
- Cái gì?
- Bố tôi bảo là nhờ cô mà cố sống được đến ngót tám mươi. Cô không
để thằng Thanh lại thì bố tôi chả có lý do gì mà sống lâu như thế.
Khéo chết từ lúc non bảy mươi rồi.
- Ông già nói thế hay là từ cái mồm anh…
- Tất nhiên là từ cái mồm tôi – ông Túc cười hơ hơ.
- Tôi nói cho anh biết, không có ông già anh xin nài tôi đừng có
phá thai thì nhà anh cũng tuyệt tự rồi. Anh chết đi cũng chả có đứa
chống gậy đâu!
- Sao cô không nói luôn là con Nhung không phải con tôi nữa đi cho
đủ bộ?
- Hoá ra anh cũng biết gớm nhỉ! Ừ, nó không phải con anh đâu đấy,
anh chỉ là thằng tráng men thôi… Nói thật nhé, tôi chả ham gì cái
nòi cái giống nhà anh. Cũng may thằng Thanh nó sáng sủa hiền lành
nên tôi mới nhận. Nhưng mà ở với anh lâu, nó cũng hỏng rồi, gàn dở,
đụt lại còn sĩ diện!
- Cô nói chuyện khó nghe quá rồi, liều liệu cái mồm đi! Thằng Thanh
nó về bây giờ đấy. Nó thần tượng cô hết ý.
- Anh bỏ cái kiểu móc máy ấy đi, hãm lắm. Chính anh tiêm nhiễm vào
đầu nó thói khí khái rởm đời rồi để con nặc nô kia bỏ bùa. Đấy anh
xem, tự nhiên dẫn về rồi bây giờ nó chết mất xác có phải là…
- Cô câm miệng lại! Nó uất quá tự tử cũng vì cô với con Nhu thi
nhau dồn ép thôi.
- Anh đừng có vu oan giá hoạ. Nó tự tử vì sảy xong lại nghe bác sĩ
kết luận là từ giờ không có con được nữa...
- Thôi đi! Cô càng nói càng chối. Bác sĩ nào nói với bệnh nhân như
thế! Tôi không nghe tận tai cô với con Nhu nói gì nhưng người cùng
phòng người ta kể lại không sót một câu. Cô có cần đối chất không
để tôi gọi điện? Mà tôi hỏi thật, cô ghét nó là vì thằng Thanh hay
thằng Thìn “ngựa”?
- Anh…
Bà Nhã lại tuôn ra hàng tràng những từ ngữ không thể tục hơn nữa.
Thanh đứng dậy nhìn qua gác xép xuống dưới nhà, bố chàng đeo kính
cắm cúi vào chiếc đồng hồ, coi những lời chửi rủa của bà vợ cũ mang
cái tên thanh tao như một âm thanh hỗn tạp không đáng quan tâm đến
nữa.
* * *
Về tới khách sạn, hàng rào sắt đã quây kín lối vào, đồng hồ ở lễ
tân chỉ sang một rưỡi đêm, Thanh mở cửa phòng rất khẽ, không khí im
lìm của hành lang làm chàng cảm thấy yên tâm hơn. Chàng cố tình
lang thang thật lâu một phần cũng vì lo rằng Uyên sẽ sang tìm. Cô
gái Sài Gòn càng lúc càng tỏ ra nồng nàn. Uyên không phải là người
xấu và tình cảm của cô với chàng dù không sâu sắc nhưng cũng đáng
trân trọng, chàng không muốn phải quá phũ phàng với cô như đã từng
làm với Hạnh Phương.
Chốt cửa lại, chàng cởi quần áo hong phía trước chiếc điều hoà. Chỉ
định đi Hội An rồi trở về Đà Nẵng trong ngày, chàng không đem theo
gì ngoài chiếc máy ảnh. Không máy tính, không quần áo thay, cũng
chẳng có sạc điện thoại, thậm chí đến tiền chàng cũng chỉ còn chừng
mươi ngàn lẻ. Thật may, Hội An là thị xã du lịch nên không thiếu
những điểm rút tiền tự động.
Đối diện với thân hình để trần của mình trong gương, chàng thở ra
nặng nhọc. Cảm giác buốt đầu báo hiệu một cơn cảm lạnh còn nỗi nhớ
lại bùng lên thiêu đốt tâm can chàng. Đã cuối tháng mười hai, ngày
kia sẽ là sinh nhật nàng và chàng thì vẫn kẹt ở dải đất miền Trung
này ít nhất một tuần nữa. Dự lễ trao giải đêm 31 tháng 12 xong, các
thí sinh sẽ còn phải tham gia một chương trình giao lưu với giới
tin học miền Trung – Tây Nguyên và sinh viên Đại học Đà Nẵng vào
ngày Truyền thống học sinh sinh viên. Năm nay chàng đích thân đứng
tên đem sản phẩm phần mềm dự thi nên có lẽ những việc sáo rỗng này
cũng sẽ khó từ chối. Vậy là chuyến đi Sapa của chàng sẽ phải chuyển
sang dịp cận Tết âm lịch, ngày mai chàng sẽ gọi điện cho mẹ Vân báo
lại như vậy. Mấy năm qua, dường như bà đã quen trông đợi chàng
rồi.
Vừa mới qua Giáng sinh, các giải bóng đá châu Âu hầu hết đều đang
nghỉ lễ, mấy kênh truyền hình cáp thể thao chán ngắt. Thanh tắt TV,
cuộn người trong chiếc chăn cố dỗ mình vào giấc ngủ. Đã hai năm
nay, chàng luôn phải làm mình kiệt sức trong những buổi tập trống
như bổ củi hay những cuộc chạy marathon với máy để không phải vật
vã ghìm mình xuống trước nỗi khao khát về một miền da thịt thơm
ngát ngọt ngào.
Nếu bỏ qua một đêm “làm lễ trưởng thành” như một thủ tục trong đám
lưu học sinh thích bày trò quái gở với cô gái lai Ấn Độ biết vận
dụng Kamasutra, nàng là người duy nhất mà Thanh gần gũi. Sau khi
nàng ra đi, một vài gã bạn rủ rê chuyện qua đường nhưng chàng từ
chối. Chàng ham muốn, nhưng ham muốn ấy chỉ có một chủ thể, người
đàn bà đến với chàng bằng thân xác già dặn cùng cảm xúc mãnh liệt
của cô gái yêu và được yêu lần đầu. Mái tóc, đôi mắt, khoé môi,
khuôn ngực tròn đầy, những ngón tay mang theo lửa, hương thơm huyền
hoặc toả ra từ làn da mịn, giọng nói ẻo lả thoảng qua như gió, cách
nàng gấp chăn xếp gối, cách nàng soi gương chải tóc, tất cả những
gì thuộc về nàng… chàng không thể nào quên được. Ảo ảnh trong mắt
chàng rõ dần thành một dáng hình, như dòng nước ngọt đọng lại từ
những giọt sương bay lãng đãng giữa trời nhỏ trên đôi môi khô
cháy…
- Thái Vân, Thái Vân!
- Mưa gió mông lung, lạnh lắm, anh đừng đuổi theo em.
- Thái Vân, Thái Vân!
- Đừng gọi nữa, em không có gì để cho anh, em không được phép chờ
đâu.
- Hãy ở lại với anh.
- Em rất muốn, nhưnng em phải đi.
- Ai gọi em sao?
- Không ai gọi em cả, người ta chỉ ra một con đường và em phải đi,
vậy thôi.
- Đừng đi vội, em nói gì đi, anh muốn nghe giọng em. Anh cũng muốn
nói với em…
- Muộn rồi. Em đã từng muốn nói và muốn nghe. Em đã chờ. Nhưng giờ
thì em không còn thời gian nữa.
* * *
Thanh tỉnh dậy, thấy chiếc chăn mỏng đã rơi khỏi giường còn người
thì ướt đẫm. Giấc mộng vừa đẹp vừa đau đớn đêm qua rút kiệt sức lực
của chàng, cơn sốt bắt đầu trỗi dậy làm trán chàng nóng hực, cổ
họng đau rát. Mặc lại bộ quần áo ngấm nước mưa cứng quèo vì hong
điều hoà, chàng nghĩ đến cửa Đại. Hội An cách biển chưa tới năm
phút đi xe máy, bãi biển mùa đông có lẽ sẽ làm dịu cái đầu đang
nhức như búa bổ của chàng.
Trời đã tạnh ráo, không khí se se dễ chịu và khi Thanh thuê được
một chiếc xe đạp thì nắng đã hơi hửng lên. Đường ra cửa Đại rộng
thênh và bằng phẳng, nhà cửa hai bên đường nhỏ nhắn hiền hoà nép
sau những hàng cau hay được bao phủ bởi những dàn hoa nho nhỏ, được
một đoạn lại thấy ruộng lúa hoặc rặng tre xanh mướt, nỗi bình yên
không thể tả cứ lắng lại trong lòng. Thanh đạp xe chậm, chàng không
được khoẻ và cũng khá lâu rồi chẳng đi xe đạp, cảm giác muốn có Vân
bên cạnh trong khung cảnh lãng mạn này lại cồn cào đến choáng
váng.
Bãi biển mùa đông lộng gió, nắng nhạt pha một chút màu tươi tắn lên
bãi cát, bóng những cây dừa thấp đổ dài xuống cùng với cái bóng đơn
độc của Thanh. Chỉ có một vài cụ già ra biển tập thể dục. Mấy chiếc
xe đạp chẳng khoá, treo nguyên đồ đạc dựng cạnh mấy gốc cây. Trời
đủ lạnh để không ai liều mạng thò chân xuống nước, những con sóng
hậm hực hết ra lại vào. Bầu trời không một gợn mây, xám nhờ nhờ đơn
điệu, biển cũng vì thế mà kém xanh một chút. Thanh đưa máy chớp lấy
một bóng chim biển chao nghiêng trên mặt nước rồi quay lại với hàng
dừa. Ngồi bệt xuống cát rình những con cáy nhút nhát bỏ ra khỏi hốc
cát, chàng lắng nghe tiếng sóng ầm ào.
- Có bãi biển nào vắng người không anh nhỉ? – Nàng vừa ngắm những
bức ảnh cũ chàng chụp biển ở Singapore vừa vặn người trễ nải.
- Có bãi biển mùa đông. Em thích đi à?
- Ừm… - nàng gật đầu, thở ra khoan khoái vì bàn tay ấm của chàng
day nhẹ lên lưng mình - Xem The Piano, em thấy thích cảnh biển vắng
với cây đàn.
- Ừ. Cảnh đấy đẹp.
Nàng hơi ngoái ra sau, chiếc áo lụa mỏng trong suốt dưới ánh sáng
đèn, bàn tay vòng ngang lưng chàng, đôi mắt ngước lên nhìn chàng
đắm đuối:
- Hôm nào mình đem xe ra biển đi anh, em muốn…
Môi chàng tìm tới làm câu nói dừng ở đó. Cho đến tận giờ Thanh vẫn
không biết chính xác nàng muốn gì khi đòi ra biển mùa đông, vẽ,
chụp ảnh hay đơn giản là ngồi bó gối lắng nghe tiếng sóng như
chàng. Có tiếng chân lại gần…
- Ồ, chào anh, chúng ta lại gặp nhau.
Thanh ngẩng lên rồi đứng hẳn dậy, trước mặt chàng là đôi vợ chồng
người Ý hôm qua. Họ mặc đồ tắm, không có vẻ gì khó chịu vì gió
lạnh.
- Anh không bơi ư?
- Tôi nghĩ là nước khá lạnh. Anh chị nên khởi động một chút.
- Ồ, vâng, chúng tôi đã chạy bộ từ khách sạn ra đây. Thời tiết hôm
nay đã ấm hơn hôm qua nhiều, anh có muốn thử không?
Những người Địa Trung Hải nồng nhiệt! Thanh nâng máy ảnh, mỉm
cười:
- Cảm ơn nhưng tôi muốn chụp ảnh hơn. Tôi chụp anh chị nhé.
- Được thôi, hãy ghi lại những nụ cười Italia lãng mạn! - anh chồng
cười, nói lộn xộn bằng mấy thứ tiếng - À này, anh đã tìm được cái
gallery ấy chưa?
- Vâng, tôi tìm thấy rồi nhưng chưa vào xem được. Họ đóng cửa hơi
sớm vì trời mưa quá. Lát nữa quay về tôi sẽ ghé qua.
- Ở đó sắp có triển lãm ảnh, tôi nghĩ cũng khá thú vị đấy - người
vợ mách thêm thông tin bằng thứ tiếng Anh chuẩn hơn - Nếu anh có
thể nán lại đến giữa tuần sau…
- Thật tiếc, tôi chỉ ở đây đến sáng mai thôi. Tạm biệt.
* * *
Nắng hửng và quãng đường năm cây số trên xe đạp làm Thanh vã mồ
hôi. Cơn sốt dường như cũng dịu đi đôi chút. Chàng rẽ vào khu phố
cổ. Những khung cảnh dường như không thay đổi so với ngày hôm
trước, vẫn chừng ấy đồ đạc, chừng ấy hoạt động, ngay cả con chó béo
nằm ở một cái hiên nhà cũng vẫn giữ nguyên tư thế như khi chàng
nhìn thấy nó lần đầu. Chiếc đồng hồ cũ bị nước vào, điện thoại hết
pin, chàng chẳng rõ đã mấy giờ, chỉ thấy có cảm giác thời gian bỗng
nhiên chựng lại vì nỗi thanh thản bao phủ trên từng nếp nhà thấp
ngói ngả màu sẫm và con phố hẹp quanh co thưa người.
Phố cổ không có vỉa hè, chỉ có những thềm nhà cao thấp khác nhau.
Thanh dựng xe bên ngoài gallery mang cái tên khó hiểu T.C, tối qua
chàng không nhìn rõ tấm biển, cũng quên để ý số nhà, đành phải lấy
mốc là dàn hoa leo không tên màu đỏ hồng trắng lẫn lộn. Thật may
cho chàng là ở Hội An người ta không có thói quen phá bỏ nhà cửa
cây cối chỉ sau một đêm như ở Hà Nội hay những nơi đang đô thị hoá
điên cuồng. Còn đang ngửa cổ nhìn lại cái lan can và cửa sổ, chàng
thấy một giọng tiếng Anh chuẩn nhưng không có ngữ điệu cất lên nhắc
chàng để xe hẳn lên hiên nhà kẻo vướng đường đi của mọi người. Chủ
nhân của giọng nói là một người phụ nữ trung tuổi tóc ngắn uốn quăn
kiểu tỉnh lẻ, chị mặc áo bà ba màu trứng sáo, túi áo phồng lên vì
một cuộn len, tay vẫn đang cầm que đan thoăn thoắt.
Thanh mỉm cười vì nhớ lại lời giới thiệu về một giọng nói sexy của
anh chàng người Ý, chàng nhấc xe để hẳn vào phía dưới mái hiên.
Chẳng buồn lấy chiếc áo khoác đang vắt ở giỏ xe, chàng bước vào,
ngắm nghía. Căn nhà nhỏ không thật sự cổ vì có rất nhiều chi tiết
xây bằng gạch nhưng vẫn có nét cũ kỹ xa xưa nhờ những cánh cửa,
hàng cột gỗ và một cái gọi là cửa sập thông tầng trệt với không
gian phía trên. Thanh đoán là để lấy ánh sáng và thông gió cho gác
xép.
Những bức tranh treo thưa vừa phải tạo khoảng trống để người xem có
thể ngẫm nghĩ và thư giãn. Kiểu bài trí này khác hẳn với lối xếp
tranh la liệt không hở ra một centimét trống nào của những gallery
hàng chợ xung quanh. Và tranh ở đây cũng khác.
Một vài bức thuốc nước khổ nhỏ vẽ hoa, quả hay trẻ em chơi đùa, màu
sắc tươi sáng, đường nét không quá tỉa tót nhưng các chi tiết đều
sinh động và gọn gàng chừng mực. Hai bức sơn dầu phong cảnh khổ lớn
một vẽ phố cổ tĩnh lặng trong đêm trăng một vẽ thị xã chìm trong
biển nước lũ, màu sắc mạnh, nét cọ và dao phết màu thô ráp, dữ dội.
Một trong hai bức đã được gắn mảnh giấy có chữ sold (đã bán). Bức
còn lại đề 888$, nữ hoạ sĩ này quả là biết cách đặt giá cho
tranh.
Ở cuối phòng, bốn bức tranh theo kiểu tố nữ được dựng thành một
chiếc bình phong ngăn gian trong. Tranh sơn mài, phong cách siêu
thực, những tố nữ trong tranh có gương mặt và thân hình dài méo mó
hoặc gấp khúc đến dị dạng, người trong bức thứ nhất cầm cọ tô màu
xanh lên chính chiếc áo trắng của mình, người trong bức thứ hai cầm
ly rượu đổ lên vai áo khiến nó biến từ màu xanh sang trong suốt,
người thứ ba ghì chặt một bông hoa hồng vào ngực khiến máu loang đỏ
chiếc áo trong suốt, người thứ tư thì đứng giữa đêm đen và đang
dùng ngọn lửa đèn lồng đốt cháy tay mình.
Thanh không hiểu nhiều về hội hoạ, ngắm bức tranh, chàng lờ mờ thấy
một cảm xúc rất mạnh mẽ hay một điều gì đó quen thuộc lắm nhưng
không thể cắt nghĩa được. Quay lại nhìn người phụ nữ trung tuổi
đang mải miết với những que đan, chàng cất giọng khàn khàn hỏi về
thứ “đặc sản” của gallery mà đôi vợ chồng người Ý đã hết lời ca
ngợi. Chị trố mắt vì ông khách Việt “tưởng đâu người Hàn Quốc” một
lát rồi nhìn quanh quất như tìm kiếm:
- Tranh vẽ Vespa hả, có… ủa mà… cha trời, bữa ni lại không còn bức
nào.
- Bán hết rồi hả chị?
- Mần chi mà gấp rứa! - chị lẩm bẩm giơ hai bức tranh cỡ 40x30 đã
được bọc giấy báo và nylon xốp chống va đập - Chú thông cảm nhe.
Chiều qua tui còn thấy ba bức, chừ chỉ còn hai bức mà cũng vô bao
hết rồi. Con nhỏ em tui đang đau không có vẽ tiếp được…
- Vậy không phải chị vẽ tranh?
- Không, là em gái tui - chị chỉ vào chiếc ghế tre có đệm kẻ carô
đặt cạnh tấm bình phong tố nữ - Bữa ni con nhỏ đau chớ ngày thường
ngồi vẽ tới khuya. Chừ nằm nghỉ trên gác. Hay chú để lại yêu cầu,
mai con nhỏ hết bệnh nó vẽ gấp cho.
Thanh còn chưa kịp trả lời thì có tiếng reo:
- Anh Thanh ở đây hả?
Dứt lời, Uyên cầm chiếc áo khoác mà vừa nãy chàng bỏ ở giỏ xe tới
bên chàng, giọng trách móc nhưng vẫn ngọt ngào như hát:
- Anh phải giữ sức khoẻ để đi thi đó. Còn không mặc áo vô đi?
Thanh mỉm cười độ lượng, chàng cầm chiếc áo khoác vào người. Uyên
lại nhăn mũi nũng nịu:
- Áo anh hôi quá à!
- Anh đi mưa mà.
- Trời đất ơi, đi mưa mà không thay áo đi? Hèn chi giọng như con
mèo ướt rồi kìa. Rồi mai làm sao thi?
- Để Khanh nói thay anh cũng được.
- Nhưng lên nhận giải thì anh phải phát biểu đó.
Thanh lắc đầu, giơ mấy bức tranh khổ nhỏ như bưu thiếp vẽ mèo và
chó lên lật xem. Uyên vẫn lanh chanh:
- Tranh mèo ở gallery nào cũng giống nhau hết, chán thấy mồ, anh
xem một lát rồi sang chọn vải may đồ với em nghe! Có nhiều mẫu
veston đẹp ghê lắm, họ nhận may cả váy cưới nữa.
Cô gái Sài Gòn chạy ào ra ngoài, có một hiệu vải khá lớn ở bên
đường. Thanh nhìn theo, chẳng vui chẳng buồn, chỉ khẽ lắc đầu. Uyên
có kiểu quan tâm và bày tỏ khiến đôi lúc người ta cảm thấy hơi
phiền, nhưng cũng chưa đến mức bực mình.
Người phụ nữ trông gallery thấy chàng cầm mãi bức tranh nhỏ vẽ con
mèo mướp béo đang nằm trên mái ngói xa xa là chùa Cầu, chị liền gợi
chuyện:
- Con nhỏ em tui vẽ mèo độc nhất vô nhị ở Hội An chứ không phải ba
cái thứ tranh nhái Trung Quốc mô. Con mèo mẫu ni là mèo nhà tui
nuôi.
- Anh Thanh ơi… - Uyên ở bên đường vẫy tay gọi rối rít.
Thanh định mua luôn bức tranh nhỏ nhưng bỗng sực nhớ ra là mình
chưa đi rút tiền. Bức tranh có giá chưa tới 100 ngàn đồng nhưng
thậm chí 1/4 số ấy bây giờ chàng cũng không có đủ. Đặt bức tranh
mèo xuống, Thanh nói với người phụ nữ, giọng thoáng vui vui vì sự
đãng trí của mình:
- Xin lỗi chị, tôi phải đi, tôi sẽ quay lại sau.
Cùng với dáng đi hơi hấp tấp của chàng ra phía ngoài, trên gác xép
có một tiếng ho, rất khẽ.
* * *
Vân quàng lại chiếc khăn, cố ghìm tiếng ho. Khi “vị khách” vừa ra
khỏi gallery, nàng quay về giường, gập người ho từng đợt rũ rượi,
cảm giác như hụt hơi, đau nhói ngực. Mai nghe tiếng ho vội trèo lên
gác, vừa sờ trán nàng vừa lẩm bẩm:
- Răng uống thuốc rồi mà càng lúc càng ho dữ rứa? Vẫn sốt, bỏ cái
nhiệt kế ra coi, cha trời, 38 độ 8… Vô bệnh viện nghe Vân… Bị như
ri không chừng viêm phổi.
Vân chẳng còn hơi sức để nói lời phản đối, nàng chỉ lắc đầu quầy
quậy và nhìn Mai với ánh mắt van vỉ. Chị vỗ vỗ lên người nàng như
trấn an, một lát sau mới khẽ lắc đầu:
- Sợ tới mô cũng phải quý cái mạng mình hơn chớ!
Vân không trả lời, nằm ngay ngắn lại, nhắm hờ mắt, cố gắng thở sâu
đều đặn. Để mặc gallery ở dưới không ai trông, Mai lấy khăn dấp
nước lạnh đắp lên trán Vân rồi ngồi bên giường mải miết đan len,
thỉnh thoảng chị dừng tay nhìn về phía người đang nằm thiêm thiếp,
ánh mắt trìu mến.
- Chị ơi, chị xuống đóng cửa đi.
- Mi đồng ý đi bệnh viện rồi hả?
- …
- Răng đóng? Để đó hại chi mô.
Vân không nói thêm mà quay mặt vào vách vờ ngủ. Mai là người chất
phác, chị không thể đoán ra người khách vừa rồi là ai, càng không
thể hiểu được những xáo trộn trong lòng nàng từ tối qua đến giờ.
Hai năm qua, nàng và người đàn bà hồn hậu này nương tựa vào nhau ở
cái thị xã nhỏ bé ven sông Thu Bồn. Nếu không có Mai cùng kiến thức
của một y sĩ công tác ở vùng sâu của chị, chắc Vân đã chẳng còn cơ
hội rời khỏi cái sân ga đìu hiu ấy…
* * *
Tàu đến ga Đồng Hới thì đã gần 8 giờ sáng. Những tia nắng mùa đông
xuyên qua lớp màn cửa mỏng trên tàu. Cơn đau ê ẩm ở lưng dường như
càng lúc càng nặng hơn, Vân rời khỏi giường ra cửa nhìn quang cảnh
buồn bã của nhà ga tỉnh lẻ, vài quầy hàng nhỏ tạm bợ bày những đồ
ăn thức uống rẻ tiền, một tấm biển vệ sinh tắm giặt làm bằng bìa
phất phơ trong gió. Vân nhìn tấm biển, cảm giác chòng chành váng
vất thôi thúc bước chân của nàng. Nhà vệ sinh trên tàu không bẩn
nhưng thứ tiếng ồn phát ra từ đường ray phía dưới như thể một cái
máy nghiền thịt công nghiệp của nó khiến nàng không thể chịu nổi.
Xuống tàu mua một hộp sữa tươi và mấy quả chuối tây còi cọc, nàng
đi về phía tấm biển. Nhưng mới chầm chậm bước được nửa quãng đường
ngắn, Vân khuỵu xuống. Một đám trẻ con nô nghịch mải đuổi nhau đã
va phải nàng. Trong âm thanh lơ mơ của tiếng loa gọi khách ổn định
chỗ ngồi để tàu tiếp tục chuyển bánh, nàng lịm đi.
Vân tỉnh lại trong một căn phòng sáng sủa của trạm xá nhà ga. Người
đã đưa nàng vào đây không phải y sĩ nhà ga mà là một bác sĩ đang
đợi tàu về Đà Nẵng. Chị gầy, khó đoán tuổi vì vẻ khắc khổ cằn cỗi,
đống túi làn lỉnh kỉnh dàn hàng ngang dưới sàn. Thấy Vân định ngồi
lên, chị vội chồm dậy ấn nàng trở lại giường, nói vừa đủ
nghe:
- Nằm nguyên nớ! Vừa bỏ thai chui phải không?
- Sẩy, không sót rau.
- Thằng cha lang băm nào nói không sót rau!
Gương mặt khắc khổ vụt trở nên phẫn nộ, chị quay ngoắt ra bảo cô y
tá trẻ măng:
- Tiêm một ống Oxytoxin 10 đơn vị rồi trông chừng…
- Chị ơi – Vân nhổm dậy.
- Đã nói nằm nguyên mà. Tui đi gọi xe chở em vô viện.
Bệnh viện đa khoa Đồng Hới kết luận Vân bị sảy thai nhiễm khuẩn.
May là Mai đã xử trí kịp thời nên nàng nhanh chóng cầm máu và không
phải cắt bỏ tử cung. Không thể đi tiếp vào Sài Gòn như đã định,
hành lý ở trên tàu chưa biết có thể lấy lại hay không, Vân chỉ còn
biết nhờ vào lòng tốt tự nhiên như hơi thở của Mai. Cứ như vậy, chị
lo lắng đùm bọc Vân tới lúc nàng ra viện. Và hai người đàn bà bất
hạnh tựa vào nhau mà sống qua hơn 700 ngày mưa nắng.
- Lại mưa rồi. Trời đất ni răng không đau, không bệnh.
Câu chép miệng của Mai làm Vân sực tỉnh nhìn ra cửa sổ. Mưa lại
giăng giăng đan chéo trên những mái ngói rêu xanh. Hơi nước mưa
theo gió luồn qua cửa sổ làm nàng thấy ớn lạnh.
- Vừa rồi có điện thoại, là ai gọi hả chị?
- Hai Ninh, bả hối cha trời là hối. Mấy mẫu in cạc tông rứa mà hối
như nước sôi lửa bỏng.
- Thì đúng nước sôi lửa bỏng rồi. Hẹn đêm qua giao tận tay, bây giờ
vẫn chưa thấy…
- Đau rứa mần răng mà giao? Mi đâu có thiếu tiền, nhận chi ba cái
việc vẽ mẫu tạp nham như ri cho cực.
- Vẽ nhanh mà chị. Giờ chị mang qua giao cho bà ấy hộ em nhé.
- Ừa, chừ tau không đi lấy ai đi? Cuộn giấy cột dây thun đỏ trên
bàn nớ hả?
- Vâng.
- Rồi, tau đi một lát về liền. Ráng nghỉ đi. Tới chiều không bớt là
đi viện đa, không được bướng!
Mở tủ lấy áo khoác rồi cầm cuộn giấy, Mai quay lại định dặn dò Vân
gì đó. Thấy nàng đang nhìn đăm đăm ra cửa sổ, mắt đỏ hoe, thẫn thờ,
chị lắc đầu tất tả leo xuống những bậc thang gỗ, vừa xỏ tay vào áo
khoác vừa nghĩ “con nhỏ bữa ni hiện nguỵ, lại nhớ chuyện cũ” rồi
buông một tiếng thở dài.
* * *
Ông Túc nghe máy ngay sau tiếng chuông đầu tiên, hỏi độp
luôn:
- Thanh hả con?
- Vâng.
- Bố gọi di động cho mày mãi không được. Mất sóng à?
- Điện thoại con hết pin, con lại quên mang sạc.
- Thế hả? Mẹ con Vân vừa điện xuống chúc mày thi tốt.
- Vâng. Lát nữa con sẽ gọi cho cô ấy.
- Thôi, bố thay mặt mày cáo lỗi với bà ý rồi.
- Thế ạ? Ở ngoài đấy đang rét đậm hả bố?
- Đậm, rét sun vô số thứ. Tao ôm thằng Còi nằm máy sưởi xem vô
tuyến suốt, có mấy cái đám cưới cũng chả buồn đi. À, con nặc nô kia
gửi báo hỷ cho mày.
Thanh mỉm cười, bố chàng gọi Hạnh Phương là con nặc nô. Thời gian
sau này nghĩ về cô ta, chàng thấy thương hại nhiều hơn là căm ghét.
Xét cho cùng, Hạnh Phương rỗng tuếch và ích kỷ như vậy cũng chỉ vì
được nuông chiều thái quá. Cả cô ta và chàng đều là nạn nhân của
tình yêu thương quái gở của các bà mẹ kiến thức có hạn nhưng lại
quá nhiều tham vọng.
- Này, còn đấy không Thanh? – ông Túc gõ lạch cạch ở đầu dây – A
lô.
- Dạ con đây. Con biết tin đấy rồi, hôm trước con có gặp ông Bảo
Thăng trong này, cũng nói chuyện một lát.
- Thằng cha đấy cũng đi thi à? Bị loại chưa?
Thanh lại cười vì giọng hỏi tưng tửng của bố. Ông sếp cũ của chàng
chỉ vào Đà Nẵng với tư cách khách mời danh dự vì uy tín của công ty
mẹ ở Singapore. Ông ta vẫn như vậy, hẹp hòi và thích nghe phỉnh
nịnh.
- Con đang đi Hội An, nhiều Sprint lắm bố ạ. Standard nguyên bản
cũng có mấy chiếc.
- Thế hả? Có cái nào đẹp thì chụp ảnh đem về.
- Không có cái nào nổi trội cả. Có một cái Standard lên đời thành
Sprint trông chắp vá buồn cười lắm. Con có chụp được vài bức.
- Xì, mày chụp cái của nợ đấy làm gì cho tốn phim. À, không cần
phim, nhỉ.
- Có cả một gallery vẽ tranh Vespa, con qua đấy nhưng họ vừa bán
hết rồi. Ở đó có cả tranh mèo, có mấy bức vẽ giống Còi lắm, con sẽ
mua mang ra.
- Được rồi, rẻ thì mua, đắt thì để tiền mà ăn cho béo.
- Con có tiền mà.
- Mày dạo này xuống mã lắm. Mẹ mày mà thấy rồi lại trách bố không
chăm.
Thanh lắc lắc đầu. Mẹ chàng đã ở Đức về định cư hẳn trong nước được
hơn một năm. Sau vụ dính dáng tới đám lừa đảo buôn lậu Thìn –
Lương, số vốn liếng của bà giờ chỉ đủ để mở một nhà hàng nhỏ. Nhờ
công quản lý của ông chồng mới, việc kinh doanh chẳng đến nỗi nào.
Thanh tránh mặt mẹ. Chàng không thể quên được cách nghĩ, cách cư xử
của bà với ông nội, với bố và cuối cùng là những gì bà đã làm với
Vân.
* * *
Mưa càng lúc càng mau hơn, Vân đóng cửa và nằm yên trên giường,
chiếc chăn mỏng đắp hờ trên ngực. Nàng đã đỡ ho nhưng cơn sốt thì
vẫn chẳng bớt đi chút nào. Đầu nàng nặng trĩu, mắt nhức và tai ong
ong như thể đang áp tai vào con ốc biển. Tiếng rì rào không ngớt
bên ngoài cánh cửa đóng kín làm nàng cảm thấy buồn ngủ. Nàng đã
từng trải qua cảm giác này, nó đang mời gọi nàng, cái giấc ngủ quá
đỗi hấp dẫn… Chỉ cần gật đầu với nó thôi, nàng sẽ ngay lập tức
không còn mệt mỏi, không còn đau khổ, mãi mãi. Nhưng Vân không muốn
thoả hiệp với thứ vĩnh hằng dễ chịu ấy…
Nàng rướn người với tay bật nấc radio, tiếng đàn tranh lẫn trong
tiếng mưa biến thành một điệu nhạc não nuột. Nàng ngồi hẳn dậy chọn
một đĩa nhạc trên đầu giường. First của Black Sabbath, chất nhạc u
uất cùng lời lẽ đen tối hướng về cái chết của nó không hợp với tâm
trạng nàng lúc này, nhưng tâm trí nàng đang hướng về Thanh, mà
chàng thì hâm mộ Black Sabbath.
Some people say my love can not be true…
(N.I.B)
Bà ta đã xuất hiện sau lưng nàng ngay lúc nàng nhìn thấy Thanh ngồi
bên Hạnh Phương, giọng nói vẫn muôn thuở ngọt ngào:
- Phương nó mến Thanh thật lòng… Cháu với Thanh biết nhau cũng hơn
một năm rồi đấy nhỉ. Hạnh Phương thì chơi với Thanh từ hồi hai đứa
còn đi nhà trẻ cơ…
Vân vẫn nhìn sững ra phía vườn hoa, Thanh đang cười với cô ta, nụ
cười mà nàng tưởng rằng dành riêng cho nàng, và tay chàng đang đặt
lên tay cô ta, nắm chặt...
- Bác sĩ nói gì với cháu chưa?
Nàng quay ngoắt lại, kịp nhìn thấy gương mặt còn phảng phất nụ cười
đắc thắng của bà ta chuyển sang biểu lộ một nỗi buồn tức tốc:
- Bác vừa nói chuyện với bác sĩ.
Nàng mệt mỏi gật đầu. Còn gì tệ hại mà cái miệng tươi tắn đon đả
này chưa gieo vào tâm trí nàng đây?
- Vân à, cháu phải bình tĩnh nhé… Bác sĩ bảo sau này có lẽ cháu sẽ
khó có con được nữa. Cháu vẫn có thể có thai nhưng sẽ không giữ
được vì tử cung đã bị bào mỏng quá rồi…
Vân nhìn sững vào đôi môi đỏ thắm đang mấp máy những lời tiếc
thương an ủi vô nghĩa, lắc mạnh đầu. Nàng định bước về phía phòng
bác sĩ nhưng một người đàn bà khác đã xuất hiện, lại là một gương
mặt đẹp ẩn giấu nụ cười.
- Vân mau vào phòng đi, có chú Thìn chú Lương vào thăm bây giờ
đấy!
Vân né người tiếp tục bước tới đầu dãy nơi có phòng bác sĩ. Giọng
nói mà đến giờ nàng không thể phân biệt nổi là của ai trong hai
người đàn bà ấy vẫn đuổi theo từng bước chân nàng:
- Kìa Vân, người ta sắp đến rồi, cháu còn đi đâu thế?
Thìn, Lương, hai cái tên ấy gợi cho Vân nhớ lại cái khoảnh khắc mà
nếu không có sự xuất hiện bất ngờ của Tố, chiếc taxi phóng ẩu ấy đã
hất tung nàng… Khu nhà nàng là khu lao động bình dân, quãng đường
đó ban đêm thường chỉ có xe ôm và xe ba gác, tại sao lại có một
chiếc taxi lạ hoắc xuất hiện ở đó để… Đột nhiên nàng thấy cái lạnh
thấm vào da thịt. Và giữa cơn mưa phùn của đợt gió mùa đông bắc,
nàng vùng chạy, xuyên qua những con đường lầy lội chỉ với bộ quần
áo bệnh nhân mỏng mảnh trên người.
She smiles faintly at the distant tolling bell, and the still
falling rain.
(Still falls the rain – Black Sabbath)
* * *
Rời bưu điện, Thanh đội mưa vòng về phía phố Nguyễn Thị Minh Khai.
Chàng không phải người quan tâm đặc biệt các tác phẩm hội hoạ, kể
cả khi yêu Vân chàng cũng ít để ý đến các triển lãm mỹ thuật, phòng
tranh. Nhưng không hiểu sao hôm nay chàng thấy cái gallery nhỏ ấy
có sức thu hút đến mức hẳn chàng sẽ có cảm giác vô cùng luyến tiếc
nếu không quay lại đó.
Dựng xe lên hè và cởi chiếc áo khoác ra rũ nước, chàng chợt rùng
mình, vì ngấm lạnh và vì sự vắng lặng trong ngôi nhà. Ở Hội An,
hình như người ta không có khái niệm “trông hàng”. Khách vào xem,
nâng lên đặt xuống chán rồi đi ra, chẳng vướng bận vì những lời
chào mời săn đón hay những câu hạch hỏi xua đuổi xấc xược. Chàng
bước tới cầm mấy bức tranh mèo lên ngắm nghía, chọn lấy hai bức rồi
ngồi xuống chiếc ghế tre có đệm kẻ carô chờ người phụ nữ trung niên
xuất hiện để trả tiền. Ngắm lại một lượt gallery, mắt chàng dừng
lại ở bộ bình phong làm bằng bốn bức tranh lớn. Cảm giác ngây ngấy
sốt bắt đầu trỗi dậy làm mắt chàng hoa lên. Bốn cô gái trong tranh
dường như động đậy.
- Ngoeo… ngoeo
Một con mèo mướp từ đâu chạy ra, cất lên tiếng kêu yếu ớt. Thanh
sực tỉnh và khẽ mỉm cười. Chàng đang ngồi trên ghế của chủ nó, chắc
nó tưởng lầm. Con mèo mướp khá béo, không bằng “thằng Còi” cưng của
bố chàng nhưng cũng tròn mượt. Nó dừng lại nhìn Thanh với vẻ tò mò
một lát rồi như đã nhận ra người ngồi trên ghế không phải chủ, nó
chạy biến vào sau bức bình phong. Thanh không gọi hay đuổi theo con
vật, chàng ôm hai bức tranh mèo, tựa lưng vào ghế và nhìn mưa rơi
đều đều bên ngoài khung cửa.
Một lát, vẫn chẳng có ai xuất hiện, Thanh đứng dậy đi loanh quanh
xem kỹ từng bức tranh. Quả thật gallery này chỉ bày bán tranh của
một hoạ sĩ. Phong cách vẽ nhất quán đã đành, bức tranh nào cũng
đóng một dấu có chữ T.C giống như logo ngoài biển hiệu. Nhưng lạ
một điều, hoàn toàn không tìm được bất cứ tờ rơi hay danh thiếp gì
giới thiệu tên thật của hoạ sĩ. Chàng mỉm cười, khẽ lắc đầu, đành
phải gọi chị ta là T.C vậy.
Con mèo mướp bắc chân lên cột nhà, vừa duỗi dài người vừa cào móng
với vẻ khoan khoái. Rồi nó hạ chân xuống, mon men lại phía chiếc
ghế tre, nằm lăn ra đạp lấy đạp để rồi gặm gặm chân ghế. Thanh nhón
bước về phía con mèo ngắm nghía. Con vật dường như biết chàng đang
để ý tới nó nên xoay người nằm ngửa ra phơi cái bụng vằn và bắt đầu
uốn éo lăn qua lăn lại. Chàng tiến thêm một bước cúi xuống dứ dứ
tay đùa lại.
Đến khi con vật chán trò chộp bắt tay áo chàng và chạy biến lên
gác, Thanh mới ngẩng lên. Mải đùa với con mèo, chàng đã bước vào
bên trong tấm bình phong mà không hay biết. Định quay trở ra, chàng
bỗng dừng lại vì một bức tranh treo trên tường. Bức tranh vẽ một
người đàn ông đang ngủ, mặt quay vào trong vách và thân trên để
trần, những cơ bắp rắn rỏi phơi dưới ánh sáng nhàn nhạt hắt xuống
từ ô cửa sổ mở toang. Vẫn những nét bút mãnh liệt và màu sắc hơi
lạnh nhưng bức tranh lại có một vẻ mơ màng rất quen thuộc mà chàng
không lý giải nổi.
Thanh tự cười mình, hôm nay chàng am hiểu hội hoạ đến lạ! Không
nhìn như thôi miên vào bức tranh nữa, chàng đứng ngắm không gian
nhỏ phía sau bức bình phong. Đó là một gian nhà rất hẹp, nó càng
hẹp hơn vì đống khung tranh, giá vẽ ngổn ngang. Trên chiếc tràng kỷ
kê dọc có một chiếc gối đan bằng mây và mấy bức tranh lật úp. Hình
như chúng mới được hạ từ trên tường xuống, khung gỗ đằng sau còn
nguyên vết vôi xanh cũ kỹ. Chàng tò mò định lật lên xem thì nghe
tiếng rũ áo mưa soàn soạt ngoài hiên.
- Chú quay lại rồi hả? Lựa được bức nào ưng ý chưa?
Thanh bước ra, chìa hai bức tranh đã chọn, rồi mở ví chờ đợi. Mai
nhìn tập tiền polyme trong tay chàng, cười ấm áp:
- Hai bức này có trăm bảy sáu ngàn thôi à. Chú có sáu ngàn lẻ
không?
Thanh lắc đầu, chàng đã tiêu hết chỗ tiền lẻ cho cuộc gọi ở bưu
điện rồi.
- Vậy cầm thêm mấy tấm thiệp khuyến mãi ha. Tui mới đi chợ, chừ
không còn đồng bạc nhỏ nào mô.
- Thôi, không cần trả lại đâu chị.
- Cần chớ, không thối mần răng còn mặt mũi buôn bán tiếp. Mà thiệp
cũng vẽ tay luôn đa, có thiệp mèo đa, đẹp lắm.
Vừa nói chị vừa lách vào trong, một tay vẫn cầm nguyên chiếc túi
đựng rau, một tay chị nhấc mấy bức tranh trên tràng kỷ ra để tìm
xấp thiệp lụa. Nhìn hai bức tranh vừa được lật ngửa, Thanh bỗng
thấy khó thở. Một bức vẽ nhà thờ đá Sapa, hai bóng người ngồi trên
bậc thềm được bao phủ bằng thứ ánh sáng của ngàn sao. Bức kia vẽ
một ngôi nhà nép dưới bóng cây tùng trên triền đồi, giống hệt bức
ảnh Bình minh bên nhau của chàng.
Uyên đứng tựa lưng vào một cây cột chùa Cầu nhìn bâng quơ, ngoài
trời mưa trắng xoá. Con phố hẹp vắng lặng càng trở nên mờ ảo trong
màn nước nhạt nhoà, Uyên chợt đứng thẳng lên nhìn chăm chú. Có một
bóng người đang đi về phía cô, dáng xiêu vẹo như muốn ngã. Uyên
chìa tay ra đỡ lấy bàn tay lạnh toát:
- Chị ơi, chị có sao không?
Người vừa chạy tới là một cô gái, quần áo ướt dán sát vào thân hình
rất đẹp, từng giọt nước mưa nhỏ xuống từ mái tóc ngắn bết trên
trán, cô ta mấp máy môi nhưng không ra tiếng, đôi mắt lạc thần.
Uyên đỡ cô ta ngồi lên bậc, vội vã giở trong túi đồ vừa mua ra một
chiếc áo khoác vải dạ quàng lên đôi vai run rẩy, cô gái bắt đầu ho
rũ rượi. Một lát, cô ta ngồi thẳng dậy rồi thở ra hai chữ “cảm ơn”
nhẹ bẫng.
- Chị cũng đi du lịch hả?
Cô gái lắc đầu. Đôi mắt dài ẩm ướt nhìn Uyên là lạ. Uyên
cười:
- Thấy hình như giọng chị không có giống người ở đây nên đoán vậy
thôi. Chị đừng phiền nha.
Cô gái lại lắc đầu. Một nụ cười nhợt nhạt thoáng qua trên gương mặt
mà Uyên thấy hơi quen quen nhưng chẳng nghĩ được ra là mình đã gặp
ở đâu.
- Tôi làm ướt hết áo mới của cô rồi.
- Không sao đâu, chị cứ mặc đỡ đi. Áo sẽ phơi khô được mà.
Một thoáng im lặng giữa hai người. Rồi Uyên lại là người bắt
chuyện:
- Hội An nhỏ ghê chị há. Đi lòng vòng một lát là quay về chỗ cũ
rồi.
- Cô lạc đường?
- Dạ không. Hôm qua thì có lạc chút chút, giờ thì rành hơn nhưng
mà…
- Lạc người hả?
- Sao chị biết hay vậy? – Uyên trả lời bằng một tiếng reo lơ đãng,
nghiêng mặt ngó ra hai đầu cầu rồi lẩm bẩm như nói một mình – Có
nói là chờ ở đây rồi đi ăn sáng mà nãy giờ không thấy. Trưa rồi còn
đâu.
- Thì sẽ đi ăn trưa.
- Chị nói ngộ ghê! - Uyên bật cười. Cô gái buông ra câu nói ấy cứ
như thể một chiếc lá hững hờ trôi theo dòng nước, chẳng biết đó là
thái độ tích cực hay tiêu cực nữa. - Nhưng còn đi may đồ. Sáng mai
phải về Đà Nẵng rồi, không biết có kịp không nữa.
- Đừng sốt ruột quá, cô còn nhiều thời gian mà...
- Xin lỗi chị. Chắc chị thấy lố lắm hả? – Uyên tỏ vẻ ngượng nghịu,
nghiêng mặt đi – Tại mưa như vậy mà không biết ảnh ở đâu nên… A,
ảnh kia rồi!
Người Uyên đang chờ đi về phía cô với vẻ vội vã bất thường. Không
để ý đến ánh mắt bàng hoàng của cả Uyên và người phụ nữ trung niên
chạy theo sau, anh lao tới bên cô gái tóc ngắn đang lả dần, ghì
chặt.
* * *
Vân tỉnh dậy trên chiếc giường quen thuộc. Cơn sốt đã biến mất
không để lại mảy may dấu vết. Cảm giác nhẹ nhõm hơi chông chênh của
một người mới ốm dậy choán hết các giác quan của nàng, chỉ có một
chút hương hoa sử quân tử từ ban công nhà bên theo gió thoảng đưa
man mát mới giúp nàng định thần lại và biết không gian xung quanh
không phải chốn xa lạ.
Căn phòng nhỏ tối mờ mờ, ngọn nến cháy leo lét trong chiếc bình sứ
ở đầu cầu thang, hình như mất điện. Phía cuối giường, một hình
người bất động, tiếng thở đều hoà trong tiếng mưa bên ngoài, không
phải chị Mai. Vân mở cửa sổ, gió ào vào làm ánh nến lay động, những
mái nhà và bóng cây cau xa xa in trên nền trời tối đen, hơi nước
mưa lành lạnh. Khẽ rùng mình, nàng quấn chiếc khăn len qua vai và
rời khỏi giường. Người kia vẫn ngồi yên, lưng tựa vào tường, đôi
mắt mở to đang lặng lẽ dõi theo từng cử chỉ của nàng.
Chiếc gương trên bàn trang điểm mờ hơi nước, Vân lấy giấy lau chầm
chậm. Trong vệt gương vừa lau, người kia vẫn nhìn nàng đăm đăm. Kéo
chiếc khăn quàng kín hai vai, nàng cúi xuống thắp thêm ngọn nến rồi
chọn một chiếc lọ nhỏ trong ngăn kéo. Mở nắp để mùi thơm dìu dịu
lan toả khắp căn phòng, im lặng chấm kem lên mặt và lẩn tránh đôi
mắt sáng trong gương, nàng vuốt nhẹ lên gò má mịn màng rám nắng.
Hai năm qua ẩn nấp trong cái thị xã miền Trung đầy nắng này, làn da
trắng hồng của người vùng núi biến mất, mái tóc tỉa ngỗ nghịch
thuần lại, trông nàng bây giờ hiền lành tới mức tẻ nhạt.
Người kia đứng dậy, bước lại gần nàng bằng bước chân chậm nhưng
không còn vẻ rụt rè như hai năm trước. Cái bóng cao gầy ngả dài
trên tường và lấn dần vào bóng nàng. Vân mở một chiếc hộp dẹt, cầm
bút quệt nhanh lên lớp bột chì màu nâu xám sẫm và tô rõ hơn đường
nét thanh mảnh của đôi mày. Rồi cũng vội vàng như thế, nàng rút một
thỏi son màu nhạt… Nhưng tay nàng đã bị một bàn tay giữ lại. Thỏi
son được thả xuống bàn gây ra tiếng động nhỏ, một giọng nói khản
đặc rót vào tai nàng:
- Em đẹp thế đủ rồi.
Vân không quay lại. Nàng nhìn sững vào tấm gương trước mặt. Nó đang
phản chiếu tất cả như thể một đoạn phim quay chậm. Một gương mặt
đàn ông úp vào cổ nàng, những sợi tóc ngắn ép vào gáy nàng nhột
nhạt, vòng tay nóng rực ôm lấy vai nàng. Vân đưa tay giữ chặt chiếc
khăn san, nàng có cảm giác mình đang ở trước cửa phòng tắm trong
căn hộ chung cư sang trọng và người đang bộc lộ khao khát với thân
thể nàng là...
- Đủ rồi!
Hai chữ “đủ rồi” thốt ra liên tiếp ấy khác hẳn nhau, một dịu dàng
một hốt hoảng. Và cùng với âm thanh cộc lốc phát ra từ cổ họng khô
cháy của Vân, người đàn ông đang trong cơn mơ bỗng bừng tỉnh.
Thanh nhìn sâu vào đôi mắt dài đang sẫm lại, ánh nhìn trống rỗng
đáp trả làm chàng thắt lòng. Nàng bước trở lại giường, máy móc nhấc
chiếc chăn mỏng quần quanh đôi bàn chân lạnh toát và bó gối nhìn ra
ngoài cửa sổ. Một lúc lâu sau, khi chàng bắt đầu cảm thấy không thể
chịu nổi không gian đặc quánh như hoá đá của căn phòng, Vân bắt đầu
lên tiếng, những câu nói ngắn ngủn, mệt mỏi nhưng rành mạch từng
lời:
- Hai năm qua tôi sống yên ổn. Cũng kiếm được nhiều tiền.
- Anh biết. Tranh em vẽ rất đẹp. Gallery cũng vậy.
- Cảm ơn, không hẳn đẹp mà có nét khác biệt.
Thanh im lặng, chàng còn đang suy đoán xem nàng định làm gì tiếp
với cái kiểu nói khách sáo xa lạ thế này. Vân tiếp tục nhìn ra cửa,
giọng đều đều:
- Nhưng cái gallery này chỉ là một nửa. Tôi còn có một nhà may nữa.
Trước khi tôi ngất thì thợ của tôi đang may váy cho bạn Thanh. Giờ
có lẽ xong rồi.
- ….
- Không biết lễ phục cho chú rể thì thế nào…
Con mèo mướp thò cái đầu tròn cùng hai chân trước lên mép sàn gác
rồi kéo lê cái thân hình tròn trĩnh vượt qua bậc thang gỗ cuối
cùng. Nó lao đến bên Vân với vẻ nịnh bợ hớn hở. Rồi như thấy thái
độ khác lạ trong vẻ bất động của cô chủ, nó đứng khựng lại nghiêng
đầu dò xét. Thanh nhẹ nhàng bước tới gần và luồn một tay nâng con
mèo dậy.
- Anh đoán nó tên là Còi.
Vân vẫn không quay lại, lắc đầu nhè nhẹ. Một lát, nàng hỏi, câu hỏi
hoà nhịp cùng tiếng mưa nghe như ở đâu vọng về:
- Bố Thanh và Còi vẫn khoẻ chứ?
- Ừ, bố vẫn khoẻ, nhưng buồn. Còi cũng thế.
- Rồi sẽ vui thôi.
Nói xong câu ấy, nàng ngả người nằm xuống, chiếc giường kêu kẹt một
tiếng rất khẽ và giọng nói của nàng thì lạnh như thể cơn gió bên
ngoài:
- Thanh mở giúp cánh tủ, lấy hộp gỗ trong ngăn bên trái, dưới
cùng.
Thanh làm theo. Chiếc hộp gỗ ngắn và hẹp hơn hộp đựng bàn phím máy
tính một chút, nắp sơn mài hai chuỗi đèn lồng nhiều màu từ to đến
nhỏ rất đẹp.
- Đây là quà Giáng sinh của Thanh. Giờ mới tặng thì muộn quá, nhưng
Thanh cứ cầm lấy… Chìa khoá tôi để trong túi áo khoác của bạn Thanh
rồi. Cái áo mà tôi vô duyên mặc trước ấy.
Câu cuối cùng Vân nói với ngữ điệu thật bình thản. Nàng xoay người
nhìn vào sự trống trải của vách tường bằng đôi mắt ráo hoảnh. Có
tiếng lạch cạch khẽ vang lên nhưng nàng không nghe thấy nữa, giờ
trong tâm trí nàng chỉ còn tiếng mưa như những lời than thở vang
vọng.
Thanh loay hoay tra chiếc chìa nhỏ xíu vào ổ khoá cũng nhỏ xíu đã
hơi gỉ. Thật may là trước khi đem áo đi giặt, Uyên đã phát hiện ra
chiếc chìa và đưa lại cho chàng. Rồi món quà muộn của chàng cuối
cùng cũng hiện ra. Trên nền nhung đen mướt, một bộ dùi trống
Zildjian 5A đầu nhựa hình tam giác, một bộ drum brush (dùi cọ) và
một bộ drum rod (dùi roi) được xếp trong những rãnh riêng biệt, tất
cả đều mới tinh, thậm chí lớp phấn mỏng trên gỗ vẫn còn. Ôm chiếc
hộp áp vào ngực, Thanh đứng tựa vào lan can để ngăn cảm giác buốt
nhói chạy dọc theo từng mạch máu nhỏ. Cảm giác này chàng đã gặp
trên triền đồi Sapa gió lộng, khi nàng ngồi với đám hoa dại cuối
xuân, chiếc khăn bay phần phật không ngừng còn nét mặt tĩnh lặng
chẳng vui chẳng buồn. Nàng đã tự nguyện tránh xa ta, nhưng để làm
gì một khi nàng đã yêu như thế?
“Em vẫn nghĩ rằng lấy chồng phải lấy người như anh.
Hoa trên mặt đất nở vì ai, uyên ương dưới nước thành đôi vì
ai.”
Vân bừng tỉnh vì tiếng lẩm nhẩm rất khẽ một đoạn bản dân ca mà nàng
đã hát. Nàng quay mặt lại. Thanh đang cúi nhìn xuống như thể những
lời giao duyên tình tứ được viết dưới đất, đôi mày nhíu lại và từng
tiếng phát ra rời rạc. Nàng ngồi thẳng dậy. Giọng nói khản đặc tha
thiết:
- Em còn nhớ, phải không?
Đôi mắt ậng nước ngẩng lên một thoáng rồi lại cụp xuống, hiện tại
có lẽ không tồn tại bên trong bờ mi rung rung đó. Nàng vẫn ngồi ở
mép giường, gương mặt như đang ở trong cơn mộng đêm Sapa dịu ngọt.
Chàng quỳ xuống để lọt vào tầm mắt đang mơ màng đó, nhưng dường như
không thể chen vào dòng hồi tưởng của nàng.
Vân bất động như pho tượng, ngay cả khi chàng nâng hai bàn chân
lạnh toát của nàng ủ trong tay mình, nàng vẫn để mặc. Chỉ đến lúc
hơi thở chàng như một dải lụa ấm lướt trên cằm, trên cổ nàng và
những ngón tay ram ráp bắt đầu lùa nhẹ để gỡ từng khuy áo của nàng,
Vân mới sực tỉnh. Lúc đó đã quá muộn cho hai người dừng lại. Trong
thâm tâm, nàng cũng không muốn dừng, vì nỗi khát khao nàng vùi chôn
suốt hai năm đã trỗi dậy, vì ánh nến trong đêm quá mong manh và đôi
môi kia lại quá nồng nàn.
* * *
Thanh tỉnh dậy sau một giấc ngủ sâu. Chiếc giường trống trơn, chăn
gối vẫn vương vấn hương da thịt Vân nhưng nàng thì không còn ở bên
cạnh chàng nữa. Thanh cất tiếng gọi, tiếng gọi hơi nghẹn vì nỗi lo
sợ mơ hồ:
- Thái Vân!
Không có tiếng trả lời. Cửa sổ mở rộng nhưng trời vẫn tối mờ mờ nên
chàng không nhìn rõ mọi vật trong phòng. Có tiếng xe vụt qua, một
con chim hót vài tiếng lảnh lót, rồi tất cả lại im lặng. Mới tang
tảng sáng. Thanh ngồi dậy, thoáng rùng mình vì lạnh, chàng đeo kính
rồi đưa mắt tìm quần áo. Chiếc quần jeans và áo kẻ sọc của chàng đã
biến mất, trên chiếc ghế tre cạnh giường có một chiếc sơ mi dài
tay, quần âu và một chiếc áo khoác, chẳng rõ màu mà chỉ có thể phân
biệt sáng - sẫm. Có cả một chiếc cà vạt chấm nhỏ và đôi bít tất tối
màu còn nguyên trong hộp. Ví, điện thoại và đồng hồ của chàng xếp
gọn bên cạnh.
Thanh mặc quần áo, không thắt cà vạt, cũng không đi tất, chàng bước
xuống nhà với đôi chân trần. Hơi lạnh âm ẩm của những ngày mưa đông
dường như không tồn tại, căn phòng ấm sực và khô hanh vì chiếc máy
sưởi chạy ro ro trong góc. Thanh đưa mắt tìm công tắc, vừa bật đèn
chàng vừa gọi:
- Vân ơi!
Vẫn không một tiếng trả lời. Ngôi nhà vắng lặng như thể chỉ có
chàng là chủ nhân cô độc vậy. Nỗi lo sợ càng lúc càng rõ. Chàng vội
vã vòng theo lối đi ra phía sau. Giữa gian nhà chính và bếp có một
khoảng sân nhỏ, cũng trống trơn, chỉ có quần áo của chàng phơi ở
đó. Chiếc áo se se như mới ra khỏi máy vắt, có lẽ nàng vừa giặt
xong. Con mèo mướp đang ngồi thu lu ở bậu cửa sổ ngủ gà gật, thấy
chàng, nó vội vàng nhảy phốc xuống cất tiếng kêu nũng nịu đòi ăn.
Thanh bế nó lên định đi vào bếp thì bỗng nghe tiếng động phía
ngoài. Chàng đi vội ra. Không phải nàng mà là chị Mai.
- Chú dậy sớm rứa! Chờ chút tui sắp đồ ăn sáng.
- Thái Vân đi đâu hả chị?
- Nó ra cửa Đại rồi. Chú lại ăn đi cho nóng rồi còn uống thuốc,
viêm họng rứa phải uống kháng sinh…
Mai vừa sắp bánh bao bánh vạc ra đĩa, rót sữa đậu nành vừa nói, chị
không để ý là Thanh đã biến mất ngay khi chữ “cửa Đại” được thốt
ra.
Thanh hấp tấp dúi tiền vào tay người lái xe ôm rồi chạy như bay qua
hàng dừa. Bãi biển sau một đêm mưa vắng tanh, cát vẫn âm ẩm, gió
thổi mạnh đem theo hơi muối. Tiếng gọi của chàng lạc giữa tiếng
sóng gầm gào. Nỗi lo sợ càng lúc càng đè nặng theo mỗi chữ “Thái
Vân” không được đáp lại…
- Anh đi gì ra đây?
Giọng nói nhẹ nhàng phát ra từ phía sau, Thanh quay lại và cảm thấy
tảng đá được cất khỏi ngực. Vân bước tới chỗ chàng, áo khoác ngoài
buộc ngang hông, chiếc mũ len vàng nhạt như một vạt nắng nhỏ trùm
lên mái tóc mềm đen nhánh. Hất chân để đám cát ẩm bám trên mũi giày
rơi xuống, nàng nhăn mặt, thở dốc rồi hỏi cộc lốc:
- Ăn sáng chưa?
Thanh lắc đầu. Chàng còn đang ngơ ngác vì thái độ hơi quá thản
nhiên của Vân thì nàng đã bước tiếp về phía trước. Chàng đi theo.
Không nói câu gì, nàng rẽ về phía hàng dừa, tới bên chiếc Vespa cũ
màu xanh tróc lở dựng hờ ở một gốc cây. Nếu là bình thường, có lẽ
Thanh đã sáng mắt lên vì chiếc Standard nguyên bản, nhưng lúc này
thì không, chàng vẫn chăm chú nhìn Vân. Nàng trải chiếc áo mưa
xuống cát và ngồi xuống, Thanh cũng ngồi xuống, tóc chàng chạm khẽ
vào vai áo nàng.
- Sao tóc anh bạc nhiều thế?
Thanh lắc đầu, không trả lời ngay. Chàng đưa tay vuốt nhẹ một lọn
tóc sau tai nàng, mãi sau mới thoáng mỉm cười:
- Tóc anh bạc để tóc em xanh.
- Anh đọc thơ đấy à?
Thanh lại lắc đầu. Vân gỡ chiếc áo khoác buộc ngang hông mặc trở
lại, nàng so vai nhìn ra bãi cát trải dài. Thanh vơ một cọng lá dừa
khô trên cát ướm vào ngón tay rồi thở nhẹ. Chàng rời mắt khỏi gương
mặt nghiêng nghiêng của nàng nhìn lên những tàu lá dừa bị gió làm
lay động:
- Anh rất nhớ em...
Chiếc mũ len vàng gục gặc, không ra gật không ra lắc, Vân chống tay
ra sau duỗi chân về phía biển nheo mắt mơ màng. Tiếng sóng biển như
muôn lời thủ thỉ, một áng mây bàng bạc trôi giữa trời, bóng những
cây dừa đổ dài thành những hình kẻ sọc xuống chỗ hai người, nắng
hửng lên rồi. Một người đàn bà luống tuổi thảnh thơi đi dạo ngang
qua. Vân nhìn theo cho đến khi bà mất hút.
- Em nhớ mẹ?
Nàng gật đầu, khẽ thở dài:
- Hai năm qua điều làm em day dứt nhất là đã thêm một lần làm đau
lòng mẹ.
- Vậy sao em không liên lạc về?
- Em sợ, vì vụ đâm ô tô không phải tai nạn… Mãi gần đây em mới biết
tin Lương Nhữ Tri bị dẫn độ về Đài Loan.
- Ừ, lão ta liên quan tới mấy vụ thanh toán băng đảng ở Cao Hùng.
Nhưng người trực tiếp thuê xe đâm em không phải Lương đâu.
- Vậy là ai? Em không nghĩ Thìn có gan.
- Ừ, công an điều tra không ra tung tích chiếc taxi, phải nhờ lời
khai của Thìn họ mới bắt được chủ mưu… Là Nguyên Hanh.
- Sao cơ?
- Bố em hình như biết tin tức gì đó qua một người quen cũ sang Đài
Bắc du lịch. Khi ấy ông ốm nặng nên đã thuê luật sư làm di
chúc…
- Giờ ông ấy thế nào?
- Bố em đã mất ngay sau khi gặp mẹ.
Vân thấy một nỗi thê lương ập đến làm trái tim nặng trĩu. Đứa em
cùng cha khác mẹ mà mối dây máu mủ đã khiến nàng không nỡ căm ghét
lại là người muốn giết nàng, vì khối tài sản chẳng rõ nhiều ít thế
nào. Còn mẹ nàng, cả một đời tưởng nhớ để đến khi gặp lại cũng là
lúc phải nói lời vĩnh biệt. Cuộc đời quả là biết cách đùa cợt vô
cùng. Nàng ngoảnh sang phía Thanh, chàng đang nhìn nàng bằng đôi
mắt nâu muôn thuở dịu dàng.
- Đừng nhìn em như thế!
- Sao không cho anh nhìn?
- Uyên rất tốt, cô ấy yêu anh và em không thể…
Không đợi nàng bày tỏ hết sự cao thượng bất ngờ của mình, vòng tay
chàng đã khép chặt và nụ hôn rơi vội xuống môi nàng.
- Nhưng còn Uyên? – Vân nói giữa hai nụ hôn gấp gáp.
Thanh bật cười, nàng đã nói đến một vấn đề chẳng ăn nhập gì, nhưng
chàng vẫn trả lời thật rõ ràng rành mạch. Và để nàng không phải hỏi
những câu chẳng ăn nhập gì nữa, chàng vừa hôn miết vừa lồng chiếc
nhẫn bằng lá dừa khô vào tay nàng.
The end