Hương bần thần giữa căn phòng lần đầu tiên cô mới bước tới. Không
ngờ nó lại đến mức này. Một ngôi nhà hai gian của làng Hạ Vị làm
kho chứa phân đạm, đến khi hợp tác lên cấp cao toàn xã, người ta dỡ
ngói để trơ lại những hàng dui mè như hai bàn tay xương xẩu ấp vào
nhau chống trên những bức tường đầy hình hài và những chữ nghệch
ngoạc thô tục bằng than và gạch non. Sau ba tháng ”tìm hiểu“ tình
hình ở huyện Sài về Hạ Vị với tư cách là trưởng ban thanh tra nhân
dân của huyện về điều tra, xử lý những đơn tố giác của quần chúng.
Anh đã mượn xã ngôi nhà kho này mua rạ và mía lợp lên trên. Nó được
ngăn đôi bởi một tấm ”Tăng“ bằng ni lông. Gian bên phải là chỗ của
anh với chiếc giường cá nhân, một chiếc màn căng quanh năm. Nửa ở
phía trong đặt chiếc hòm vừa bằng cái va ly và chạn đựng bát. Cả
hai thứ đều do thằng cháu con anh cả kỳ cạch đóng cho chú. Khuất
sau chạn và hòm là ‘bếp“. Gian bên trái có một chiếc bàn và bốn
chiếc ghế vuông với bốn cái chén và siêu nước sôi để nguội. Chiếc
điếu cày để gác đầu lên miệng hộp bằng tôn vuông, dài như một hòm
sớ. Đấy là nơi tiếp khách, ”Tiếp dân“. Sài nói với các anh chị và
mọi người rằng anh ở như thế cho tiện việc tiếp xúc vì công việc
của anh cần phải được giữ kín. Nhưng thực chất của nó là anh không
muốn nhờ vả, lệ thuộc vào các anh, các chị, hoặc bất cứ người bà
con thân thích nào. Những gì mình có thể chịu đựng hoặc tự lo được
thì phải cố. Sáu tháng sau thôi chức trưởng ban thanh tra, vẫn ăn
lương chuyên viên một, anh được điều làm chủ nhiệm hợp tác xã nông
nghiệp Hạ Vị. Chỉ trừ khi bận rộn quá, phải nhờ gửi, nếu không,
tháng nào anh cũng lên Hà Nội một lần thăm con và mang một nửa
lương, kèm theo gạo mới hoặc đỗ, lạc, bánh, kẹo, hoặc quần áo, giày
tất cho chúng. Khi trở về lại ăn ngủ ở gian nhà kho ấy. Gần ba năm
rồi, Hạ Vị đã như từ một nơi nào khác bưng đến đặt ở đất này. Xã
được hình thành như một chữ ”Tê in“ hơi lệch một chút. Cái gạch
ngang trên đầu là con đê bồi đắp cao to như đê chính, được viền
bằng những bụi tre đang lên xanh. Phía ngoài tre là hàng chuối tây,
hàng nghìn cây đều bị những buồng vít cong xuống. Ngoài nó là lạc.
Cả bãi bồi mênh mông màu xanh đậm xôn xao cả lá lạc, phải ngồi lên
máy bay chuồn chuồn mới nhìn thấy chiều dài của nó. Viền sát lơi
nước, chỗ doi đất bồi, thêm hàng năm là khoai lang. Chỉ trừ ba
tháng mùa mưa lũ còn cái vòm xanh dây khoai ấy có cả quanh
năm.
Thân chữ ”Tê“ là con đường từ đê bối vào đê chính hơn bốn cây số nó
cũng cao to, đủ cho hai chiếc xe tải tránh nhau. Đứng từ đê quai
nhìn vào con đê chính, phía bên trái là cánh đồng cao rộng gần gấp
đôi phía đồng trũng. Đồng cao chuyên canh cây đậu nành do tiến sĩ
di truyền học Phan Tân cùng những đồng nghiệp của ông là chỗ quen
biết của Sài về giúp vụ đầu. Đến nay nó đã mang ký hiệu khoa học
ĐC5. Loại ĐC5 này chỉ thấy quả lúc lỉu lăn lóc quanh thân mà không
thấy lá. Hàng chục héc ta đậu nành mới hai vụ đã cho tổng sản lượng
hàng trăm tấn. Phía bên này đường là kho, ao thả cá, trại chăn nuôi
bò, lợn, và hai mươi ba lò gạch, mừơi tổ làm đậu phụ. Tất cả tạo
thành một chu trình khép kín: Đậu nành làm thành đậu phụ. Lợn ăn bã
đậu và lá khoai lang. Bò ăn lạc và thân dây lang cùng với cỏ. Phân
bò bón lá, phân các loại khác bón ruộng. Các nhà máy, công trường,
cơ quan mua đậu phụ, lạc, thịt bò và cá thì phải cung cấp gạo,
than, vôi, xi măng, sắt và những thứ khác. Hạ Vị đã ăn ba bữa cơm
bằng gạo với cá hoặc đậu hoặc thịt. Xã có đài truyền thanh, đèn
điện, nhà văn hoá, nhà trẻ, trường cấp hai đều được xây dựng hai
tầng. Chủ nhiệm Sài cũng đã trúng ủy viên thường vụ của huyện nhưng
vẫn ở ngôi nhà kho hai gian vốn là nơi chứa phân đạm ở đầu thôn Hạ
Vị, ngoảnh mặt ra cánh đồng lạc cạnh đường. Mấy năm nay, Hương về
thăm mẹ cũng qua thăm Sài, nhưng anh đều đưa chị về uống nước ở nhà
anh Tính hoặc gặp nhau ở ban quản trị rồi, vừa ra bến đò vừa nói
chuyện. Mỗi lần về qua làng Hạ Vị đỡ lầm lội và lại ngơ ngác trước
sự trồi lên một phong cảnh mới lạ. Không nhìn hết nét mặt của những
ngừơi dân, không nghe hết lời thì thầm háo hức của họ, chị đã biết
người làm nên sự phấn chấn ấy và ngầm hưởng một niềm vui pha lẫn
chút chua xót. Chị không thể ngờ rằng anh lại ăn ở như để tự đày
đoạ mình thế này. Hương cũng như anh Tính, chú Hà, anh Hiểu và
những người thân khác nhìn thấy mỗi thay đổi ở làng Hạ Vị lại bớt
được nỗi lo vì cái quyết định xin trở về quê hương của Sài mà ai
cũng cho là anh đã quẫn trí đâm ra liều. Trưa nay khi anh đang baó
cáo với đoàn tham quan và các báo chí, Tiến ở dưới nói chuyện riêng
với Hương.
- Chị thấy không, anh ấy khoẻ, trẻ ra rất nhiều so với những năm
trước. Ăn nên làm ra nó cũng có khác.
- Căn bản là được các anh ủng hộ.
- Thì trước khi anh ấy về tôi có phản đối ai ở làng này có ý định
thay đổi cách làm ăn cho nó giàu có lên đâu. Căn bản đồng đất này
anh ấy thuộc. Tình cảm và tính nết của những con ngừơi vùng này anh
ấy cũng thuộc. Thuộc nó, lại đau đáu lo nghĩ cho nó bằng tất cả sự
hỉêu biết và tấm lòng của mình thì ”ăn“ thôi.
Hương tủm tỉm:
- Có những việc đau đáu lo cho nó mà vẫn hỏng đấy thôi.
Anh bí thư huyện ủy trẻ tuổi và hóm hỉnh này biết ngừơi tình của
bạn mình định nói gì, anh cười gật đầu phản đối:
- Dù không hiểu anh ấy bằng chị, nhưng tôi cũng biết anh ấy đau đáu
lo nghĩ và tất bật khổ sở chắp vá những cái anh ấy không có để cho
nó phù hợp, cho vừa ý người vợ vốn rất khác biệt với anh về mọi
phương diện. Tôi rất đồng ý với anh ấy nói với các nhà báo sáng nay
là: ”Tôi mong các nơi khác đừng học gì ở chỗ chúng tôi. Những điều
tôi kể lại cung cách làm ăn cũng như những bản tuyên truyền có đôi
chỗ ”phóng đại“ của các anh chỉ như một sự gợi ý để mỗi nơi ngẫm
nghĩ về đồng đất của mình, sức lực mình, vốn liếng mình, trình độ
mình, tâm tư tình cảm của dân mình thì nên làm ăn cách nào cho hợp,
cho kết quả. Cứ ồn lên, thấy ai có cái gì cũng hay, cũng bắt dân
làm bằng được như nơi này rồi lại phá đi làm bằng được như nơi
khác, hôm nay bảo làm ai không làm là kẻ chống phá, ngày mai bảo
phá, ai không phá lại là kẻ phản động. Suốt đời trong làng có
”địch“ và dân đói khổ mà năm nào cũng ”hơn hẳn“, ”vượt xa“ những
năm trước. Tôi rất sợ sau đây làng nào cũng trồng lạc với đỗ tương,
có khi cả vùng chiêm trũng cũng trồng rồi sau này mất mùa phá đi
lại chửi chúng tôi là những thằng nói khoác“.
Nghe bí thư kể lại chuyện đó Hương thấy một cái gì đó như là niềm
kiêu hãnh dâng khắp ngừơi. Chị khen
- Tôi nghĩ cũng may có anh, anh Sài mới làm việc được.
- Ngược lại. Nếu không có anh ấy về đây, bằng cuộc đời lận đận của
mình để tôi nhìn ra cái gì mình có, với chính mình thì có lẽ tôi đã
hô cả huyện làm theo cái khuôn mẫu ở xã của chị phía trong đê: tất
cả phải trồng hai vụ lúa và một vụ khoai tây.
- Nhưng dù sao là cấp trên anh vẫn nhìn rõ hơn.
Tiến hóm hỉnh:
- Chết ở chỗ đã là cấp trên không bao giờ chịu thua cấp dưới nên có
lần quá nửa số xã bị đói mà huyện thì vẫn ”trăm phần trăm“ no để
tỉnh khỏi chê cười trách cứ. Đến khi bí quá lên tỉnh kêu xin gạo về
cứu tế thì lại bảo xã nó không nắm hết dân tình.
Bằng buổi nói chuyện riêng, rất ”mất trật tự“ của bí thư với mình
Hương thấy không thể nào bỏ đi khi đoàn tham quan của các cơ quan
trung ương lên xe trở về. Sài đi tiễn họ và bảo chị: ”Em vào nhà
chờ anh một chút“. Chị đã ngẩn ngơ đi vào ”căn phòng“ anh chỉ. Gập
lại quần áo, quét tước, sắp đặt xong cho cái ”ổ chuột“ ngăn nắp lại
và nghe đứa con gái của Tính kể ”sự tích“ gian nhà này xong, cháu
đã về mà Sài vẫn chưa quay lại. Chị sốt ruột vì trời đã sập xuống
chị vẫn chưa về được. Sài hấp tấp trở lại. Nhìn vẻ sốt ruột của chị
anh trách:
- Sao em đã có vẻ cuống lên thế?
- Em sợ lắm. Thôi đưa em về một đoạn đi.
Sài không nói gì. Chị biết anh buồn trước những cử chỉ của mình.
Nhưng biết làm thế nào! Cái tình của tuổi bốn mươi không thể bốc
nóng ngùn ngụt lên mặt và máu chảy rình rịch khắp cơ thể như năm
mừơi bảy, mười tám để nó có đủ sức mạnh đi tới liều lĩnh, bất chấp
cả một đời chỉ cốt có một phút giây, trời đất lúc ấy cũng là nhỏ,
chỉ có hai ngừơi là vũ trụ mênh mang. Còn bây giờ! Không thắp đèn
lên, không đứng ở giữa sân, dù hai ngừơi vẫn cách nhau mà cùng ở
trong nhà, nhỡ ai đi ngang qua biết được, họ sẽ đánh giá tư cách,
sẽ có lời ồn aò bàn tán hại uy tín của cả hai người. Cái bóng đêm
đã tạo nên sự run rẩy trong nỗi hoảng sợ khiến Hương bước thẳng ra
giữa sân chờ Sài hút xong điếu thuốc lào rồi khoá cửa đưa chị đi.
Hương mừng rỡ bao nhiêu, Sài càng lặng đi bấy nhiêu. Nỗi cô đơn
không có ngừơi chia sẻ, nói đúng ra anh chỉ cần có Hương nhưng chị
lại ”lịch sự“ với anh như một người bạn tốt bụng.
Hai người đi đã cách làng khá xa vẫn không nói gì. Hương đành phải
lên tiếng:
- Anh giận em đấy à?
- Không.
- Thì cười đi em xem nào.
- Em muốn anh làm thằng hề à?
Đến bây giờ thì Hương lại không thể nói được gì nữa. Có bao giờ chị
đùa bỡn với tình cảm của hai người mà anh lại nói ra điều ấy.
- Anh xin lỗi.
Thấy im lặng, đi mươi bước nữa, anh sát lại.
- Nhiều lúc buồn, nhớ em quá mà em lần nào gặp anh cũng chỉ ban
phát cho anh được vài câu nói rồi lại vội vã hốt hoảng ra đi. Còn
anh... bây giờ...
Hai người chững lại, Hương vẫn lặng lẽ như lắng nghe.
- Có giận anh nữa không?
Cái đầu hơi ngả vào cánh tay anh lắc nhẹ.
- Mở mắt ra nhìn anh một chút nào.
Dường như có hai vòm sáng rất lung linh vừa rào lên cái ánh sáng
diệu kỳ khiến anh phải giữ lấy nó, như nuốt nó vào trong lồng ngực
đang dồn dập của mình.
- Hay chúng mình về với nhau đi em.
- Không được.
Giá đừng êm nhẹ và nũng nịu, đừng vuốt vuốt mái tóc và đừng gài lại
chiếc cúc áo quân phục cho anh, em cứ ”không được“ một cách cáu
giận hoặc bằng bất cứ một cử chỉ nào đó ”giết“ ngay tức khắc niềm
hy vọng bột phát của anh thì còn dễ chịu hơn sự vuốt ve chờn vờn:
hãy cố chịu đựng. Tuổi chúng mình không thể liều lĩnh được nữa đâu.
Thôi khuya rồi, chúng mình chia tay nhau. Chịu khó nghe lời em
đi.
Và, trước đó em đã nói những gì? Anh đã đau đớn về sự chia ly rồi.
Lại xé đôi sự ổn định, dù nó là chắp vá của cuộc đời em thì làm sao
có thể bù đắp được cho anh. Xoá bỏ sự cọc cạch này để chắp vá với
sự cọc cạch khác là đánh lừa nhau, được cái gì.
Không! Em biết. Ngày xưa thì được. Vì thế mãi mãi chúng mình phải
giữ gìn nó. Còn bây giờ làm gì còn thì giờ để hẹn hò chờ đợi nhau
nữa. Đừng buồn.
Dù bằng tất cả những lời lẽ rất có lý, những tình cảm chân thành
của Hương bắt anh phải chấp nhận, nhưng đi quay về một mình giữa
lạnh lẽo của đêm trăng cuối tháng, anh vẫn cảm thấy những cơn gió
như ào ạt ùa vào cái cơ thể dường như rỗng rễnh của mình. Anh bước
đi rộn rạo giữa mênh mang vắng lạnh. Mãi khi gần về đến làng nghe
tiếng vượt đất vào quả ở thùng đấu và tiếng khuôn đóng mốc vang lên
bì bạch ở ngay bên đường anh mới như choàng tỉnh nhìn sang phía
cánh đồng trũng.
Cả hai mươi ba lò gạch đều rực đỏ nở nứt từ dưới lên trên về phía
làng những tổ làm đậu phụ vẫn sáng đèn. Anh nhớ là cả hai ngành sản
xuất này họ đang làm ca ba, cái cung cách làm việc tự anh đặt ra
cho nó và chính nó đã giúp anh những đêm trằn trọc mất ngủ vùng dậy
đến chỗ đốt lò, làm gạch và các tổ gói đậu phụ xem xét, chuyện trò
với họ. Để rồi sáng ra lại xì xụp bát óc đậu, làm tượp rượu, nhón
mấy viên lạc, người thấy khoan khoái thêm. Ai cũng bảo anh khoẻ ra.
Có lẽ nó bắt đầu từ những ngày anh trở về với vùng đất quen thuộc
của mình dù nó còn ngổn ngang bừa bộn nhưng nó là chỗ của anh, của
chính cái làng Hạ Vị này.