Pair of Vintage Old School Fru




Chương 11

Thiếu tướng Đỗ Mạnh hiện là chính uỷ quân đoàn đóng quân vùng ngoại vi Hà Nội. Việc qua lại Thủ Đô đối với ông gần như là thường xuyên. Qua Hà ông trở thành người bạn thân quen của Hương. ”Nay mới gặp nhưng chú đã biết và rất quý cháu từ mấy chục năm trước“. Lần đầu tiên gặp Hương ở chỗ Hiểu ông đã nói thế. Nhân ngày chủ nhật Họ bàn nhau cả ”hội“ về thăm thằng cháu ruột đang làm bí thư huyện uỷ huyện của Hà. Từ ngày Sài lấy vợ đến giờ ông chỉ đến thăm anh một lần cùng thằng cháu trước khi nó về nhận công tác ở huyện này nhưng chuyện gì của Sài ông cũng biết. Đến lúc ăn cơm ”chiêu đãi“ của cháu xong ngồi uống nướ ông mới như là chợt nhớ ra hỏi chuyện mọi người chuyện gia đình, vợ con Sài. Cả Hà, Hiểu và Tính đều có cách nói hờ hững và những nhận định giống nhau về sai lầm của Sài, về sự chán ngán của mọi người, không ai muốn quan tâm đến nó. Ông chép miệng: ”Mọi việc đã thế rồi, nó tính sai thì phải chịu hậu quả. Chúng mình có đứa em, đứa cháu dâu tốt cũng quý, mà không thì cơm nó nó ăn, việc mình mình làm có ảnh hưởng gì lắm đâu. Chính qua thực tế ấy cậu ta sẽ nhận ra mọi điều thôi. Tôi đề nghị anh Hà với các anh đừng ai xa cách, hắt hủi nó. Là thằng biết nghĩ, nó cũng khổ nhiều đấy“. Chỉ có thế rồi lại ăn kẹo uống nước, hút thuốc và nói những chuyện khác. Nhưng đấy là công việc chính của các ông trong chuyến đi này. Bằng sự tinh nhạy của mình ông biết hàng năm nay cả Hà và Tính đều bất bình với cháu, với em mình. Ông nảy ra ý định rủ mọi người đi chơi cốt để làm cho mọi ngừơi thân thiết của Sài đừng ai quay lưng lại sự đơn độc của cậu ta. Cái công việc cốt yếu ấy lại được xem như là vô tình, không hề quan trọng gì. Đấy là thói quen từ xưa tới giờ. Ông biết những câu nói ”bâng quơ“ ở bàn trà sau bữa cơm sẽ được cả Hà, Tính và Hiểu lưu ý. Riêng với Hương, ông quý cái tình cảm tốt đẹp của cô dành cho những người thân thiết của Sài. Song, Hương lại thấy mình không thể được như thế. Sài lấy vợ, Hương buồn rầu lẩn tránh. Phẫn nộ với anh, cô xa lánh luôn cả bạn bè và gia đình anh. Bẵng đi hàng năm, chỉ biết hàng chục lần Sài đã phải bỏ nhà đi lang thang cô mới lại đến thăm Hiểu, chú Hà và về quê thăm Tính. Như thế để làm gì? Và, tại sao? Cô không biết. Cô thầm cảm ơn Thiếu tướng đã quan tâm đến Sài làm cho mọi ngừơi gần lại với anh. Cô cũng cảm thấy mơ hồ là như thế mọi người sẽ gần lại với cô hơn. Khi hai anh em đạp xe trở về nhà, Hương đã kể cho anh Tính nghe bao nhiêu chuyện về tình cảnh khốn khổ của Sài trong mấy năm qua. Anh dặn Hương thật thà như giao việc cho một đứa em gái. ”ở trên ấy có điều kiện em động viên săn sóc nó hộ anh“. Hương ”vâng“ nhưng cô biết lúc này mình làm sao có thể làm được việc đó. Có những khi đi làm về cô đạp xe vòng quanh cơ quan Sài, đến khi nhìn thấy anh cô lại nhanh chóng vượt lên tránh sang đường khác. Tuy vậy, cô vẫn tìm cách để chăm lo cho Sài. Cô đan cho anh đôi găng tay, cái áo len cộc tay màu ghi, cái mũ len tím, đôi tất màu nước biển và bàn cạo râu của Nga do thằng con lớn của cô học ở bên ấy gửi về. Rồi thuốc bổ, thuốc kháng sinh, và đôi khi cho cả tiền để anh mua thuốc lào. Tất cả những thứ đó cô giao cho anh Hiểu và bắt anh phải giấu mọi người, kể cả Sài. Cô làm như thế hoàn toàn không hề mảy may có một ý nghĩ tranh chia giành giật nào. ở tuổi cô không còn cái háo hức liều lĩnh của tuổi hai mươi nữa. Chỉ vì thương Sài quá. Và thú thật, có cả tình yêu nữa. Một tình yêu của những kỷ niệm đã qua. Ngày nay không bao giờ cô cho phép mình được bộc lộ hoặc chấp nhận nó. Lắm khi cô rất thèm có cách gì đó đến với Châu, trở thành một ngừơi chị của Châu để khuyên bảo cô ta thương yêu, trân trọng sự đau khổ và tấm lòng thành thật của Sài để cô ta đừng làm khổ anh ấy. Nhưng mình là ai ? Liệu có giải thích được khi vỡ lở rằng mình vốn là người yêu cũ của anh ấy không? Lắm lúc cô lại thấy kệ nó, cứ để như thế mới đáng cái tội của Sài. Ai bảo thấy con gái trẻ, đẹp là lao vào như con thiêu thân, để phải cưới chạy như chạy tang. Cô lại bực tức với chính mình. Tại sao cứ phải lo nghĩ dằn vặt đến những chuyện ấy? Để đem lại cái gì? Có lần đem các thứ đến đưa anh Hiểu để gửi cho Sài, lúc quay ra lại thấy vô lý, thấy mình làm việc đó là hấp tấp, vô nghĩa. Nhưng lại không dám quay lại bảo anh Hiểu hãy cứ để đấy. Rồi cuộc sống của họ sẽ ra sao khi Châu đẻ thêm đứa con nữa. Có thể có thêm đứa con, Châu sẽ thương sự vất vả của chồng và tủôi tác lớn hơn sẽ chấp nhận cuộc sống ổn định để vợ chồng con cái, vui vẻ đầm ấm! Đến lúc Sài được yên ổn, hạnh phúc, thì tình cảm của mình sẽ như thế nào? Tự nhiên Hương dùng cả hai bàn tay tát mạnh vao hai má mình rồi ôm lấy mặt, không dám nghĩ tiếp một điều gì sẽ xảy ra!

Châu không đi phá thai như lời Nghĩa nói với Sài. Cô bắn tin để doạ Sài hay vì gia đình ngăn cản? Hoặc vì một lý do nào khác! Sài không hề quan tâm. Chỉ có điều anh bắt đầu chờn với người vợ được xem là ngừoi ”Có trước, có sau“. Một con người đã nói ra được những lời độc ác cũng dám liều lĩnh làm nên tội ác. Biết vậy anh im lặng. Châu cùng mẹ, chị gái rồi chị dâu và cả Nghĩa trở lại nhà sau khi Nghĩa hốt hoảng nói đến bệnh tình của bé Thuỳ. Vứt xe đạp ở bờ tường, chạy lao vào nhà, cô muốn oà khóc vì thương con, vì căm giận chồng, vì cả nỗi hoảng hốt. Thấy bà cụ hàng xóm đang ôm con mình, cô lấy ngay vẻ bình tĩnh: ”Bà ơi, con ơn bà lắm! Bà cho con xin cháu. Trời ơi, không ngờ mấy ngày nay con bị ốm, chắc có bố trông coi ở nhà!“- ”Trẻ con đứa nào cũng phải qua cái đận này. Mấy ngày nay bố nó cũng vất vả. Chị cứ ủ vào cho cháu nó ”nở đều“. Châu cúi xuống nhìn con đã teo tóp lại tới mức không thể ngờ tới. Nước mắt cô ứa ra rào cả xuống chiếc tã bông cuốn cho con. Trong cơn mê man thằng bé mơ thấy mẹ nó đang ôm nó trong lòng nhưng lại gỡ tay nó ra, sẽ sàng đặt nó xuống giường, chạy lao ra cửa. Nó hoảng hốt chạy theo: ”ới mẹ ơi, mẹ ơi đợi con, đợi con“- ”Mẹ đây, mẹ đây“. Châu nắm lấy tay con ghì nó chặt lại: ”Con ơi, Thuỳ ơi, mẹ đây. Tỉnh lại đi con, tỉnh lại con, mẹ đây mà. Mẹ Châu về với con đây mà“. Thằng bé đã nhận ra tiếng mẹ, nó động đậy bàn tay bé xíu như cái tai con thỏ con lần sờ tìm bàn tay mẹ. Nhận đúng là mẹ nó rồi, nó khum bàn tay như thể nắm lấy ngón tay giữ mẹ lại, không cho mẹ chạy đi. Nhưng tay nó không nắm được nữa. Nó tủi thân, nước mắt rào qua lớp dỉ đã kéo thành màng trên vòm mắt. Châu vội vàng lấy khăn lau nước mắt và lớp dỉ đã mềm rữa. Thằng bé cố lắm mới lại mở được mắt. Những lớp mụn lấm tấm như kê đã mọc đều trong mắt nó. Đôi môi bong rộp của bé hơi ánh lên tươi tắn, như muốn biểu lộ hết nỗi sung sướng vô cùng của nó. Người mẹ đã nhận ngay ra dấu hiệu tốt lành ấy, nó như sự ban thưởng lớn lao không có gì sánh nổi. Châu cúi sát mặt con. ”Con mẹ giỏi lắm. Có thương mẹ hông?“ Nó cố gắng gật đầu- ”Mẹ thương Thuỳ của mẹ dũng cảm lắm. Con ngoan cố chịu đau cho chóng khỏi mẹ đưa Thùy đi bà nhé“. Nó phấn chấn gắng gượng gật đầu. Đứng chống tay voà thành giường ngóng đợi niềm vui của hai mẹ con là bà ngoại, là bác, là cô và các anh, các chị trong khu tập thề. Bà cụ già trong khu nhà lại phải ”chỉ huy“ đám ngừơi ấy ”giải tán“ và dặn Châu những điều cần thiết phải kiêng cữ cho con rồi bà mới cười cười yên lòng trở về nhà mình. Sài pha nước mời mẹ vợ và mọi ngừơi cùng uống xong anh theo sự điều khiển của chị gái Châu đạp xe đi mua rau để chị nấu cơm hộ. Người chị ý tứ và thương hại cả hai em đã lôi hết quần áo, xoong nồi trong tủ và trong chạn sau hàng tháng trời không được ai nhìn ngó tới. Căn phòng và bếp được ”tân trang“ lại đâu vào đấy. Chị như người đại diện cho niềm kiêu hãnh luôn luôn của Châu về nề nếp của gia đình mình. Còn chú cháu của Sài lại là hiện thân của sự toạ tệch, luộm thuộm nhiều lúc Châu bắt ”quả tang“ một trong những việc làm mang dấu vết ấy khiến anh không thể cãi lại. Khốn nỗi, cái bệnh sĩ diện hão làm cho anh ta không dám thú nhận nghiêm túc với chính mình để nghiêm túc sửa đổi. ở trong nhà không làm cho nhau vui được cô phải tìm kiếm sự đồng cảm ở bên ngoài. Đó là lẽ thường gì mà khó hiểu. Cái lập luận vững chắc trong cô được hình thành khi sống với Sài. Cô tin đến muôn đời, anh và những người xung quanh không thể tìm đến cái ý nghĩ sâu xa ấy. Dọn dẹp, nấu cơm ăn xong, chị gái lên bế cháu để ”vợ chồng mời bà đi ăn cơm rồi bà ở lại với cháu một đêm“. Câu nào chị cũng nhắc đến ”vợ chồng“, ”các em“, ”hai đứa“, ”cô cậu“. Mãi hơn chín giờ đêm chị mới trở về nhà để ăn cơm chiều. Dù đã yên lòng vợ chồng ”cô cậu“ có vẻ hoà hợp với nhau chị vẫn phải kéo em gái ra đường dặn dò: ”Chín bỏ làm mười“, giữ gìn êm thấm đừng để xung quanh cười chê“. Dù chị không dặn Châu cũng biết trong những ngày tới không có cách nào khác là phải vui vẻ nói với nhau mà ngừoi điều khiển cái tình cảm ấy là cô. Sáng hôm sau nhân bà cụ về Châu bắt đầu sai chồng câu đầu tiên có dùng chữ ”em“: ”Đưa cụ về, nhân tiện đến cơ quan em xin nghỉ tiếp để trông con“. Giá như trước đây được câu đó Sài đã hý hửng, hấp tấp làm theo mệnh lệnh của cô. Bây giờ anh chỉ thủng thẳng ”ừ được“. Đủng đỉnh lấy điếu cày xuống bếp hút thuốc để tránh khỏi làm sặc con rồi mới thong thả dắt xe đi. Cách sống hơi ”ngang“ của anh làm Châu vừa bực vừa có phần nể sợ, dè chừng. Tuỳ. Anh không quan tâm lắm đến thái độ của cô. Anh đã nhất quyết sống như thế. Chỉ có tình thương yêu, nhất quyết không còn sợ. Sợ cái gì mất cái đó. Anh biết thế nên cứ sống hết lòng với vợ con. Cái gì làm được không tiếc. Cái gì không làm được không cố mãi lên để chứng tỏ cho vợ biết mình có năng lực. ”Chỉ có thế“ cô muốn chấp nhận hay phản đối đều được hết. Con chạy đi chơi và ăn ”giả bữa“ rất khỏe anh mới ”hoàn hồn“, được ngủ thẳng cánh một đêm từ sáu giờ tối đến tám giờ sáng hôm sau. Vợ gọi dậy trông con để cô đi làm đầu, anh mới biết mình đã được ngủ một giấc khoan khoái đến thế. Được mấy ngày rảnh rang đã tưởng có thời gian ”hả hơi“. Năm ngày sau khi con khỏe vợ đau quằn quại phải mang đi cấp cứu. Ngỡ động thai hoặc đau ruột, gan gì đấy, không ngờ cô đã trở dạ đẻ. Mới có thai được bảy tháng rưỡi đã đẻ. Gần bốn năm trời lấy nhau, bằng đồng lương của hai ngừơi phải nuôi vợ đẻ, con ốm và sắm sửa. Đấy là nhà, giường tủ, anh Tính và bạn bè đã giúp bây giờ còn ”mang nợ“. Lần trước gia đình và bạn bè còn hỗ trợ, đến lần này một mình phải cáng đáng mà chưa hề chuẩn bị được tí gì. May còn toàn bộ tã lót, quần áo của thằng nhớn. Nhưng chạy ăn lúc này đâu phải là chuyện dễ dàng. Mấy trăm bạc vay trong dịp nuôi con ốm Sài đã phải xin khất lại. Những người chủ đều thương tình, không những cho anh khất mà còn thương tình, không những cho anh khất mà mỗi người còn cho mượn thêm dăm ba chục. Ngoài số tiền lương, tiền mượn Sài bí mật nhờ người bán bộ quân phục ốt pho được phát trước khi ra khỏi quân đội. Đôi giày đen và cái chăn dù vật kỷ niệm cuối cùng ở chiến trường cũng bán. Được hơn một nghìn. Anh dồn tất cả sức lực gắng gượng, nuôi vợ, nuôi con trong nỗi âm thầm đau đớn. Đứa con được bảy tháng rưỡi bệnh viện phải nuôi trong lồng kính. Vợ khóc tấm tức mỗi lần lên nhìn con bao bọc bởi lớp da đen tai tái. Có người độc mồm bảo trông như con chó con bị thui. Anh an ủi vợ: ”Thôi, đằng nào cũng là con mình, không may con thế sau này mình càng thương nó“. Chẳng ngờ mấy ngày sau cả gia đình nhà vợ đều đổ tại Sài đã mang bệnh sốt rét từ Trường Sơn, mang cái tai hoạ của chất độc hoá học từ rừng rú về bắt con cháu họ phải chịu hậu quả. Sài cắn răng im lặng trước cái nhìn của vợ mà anh biết cô đã nhìn anh, kẻ thủ phạm gieo rắc tội lỗi lên ngừơi cô, lên danh dự của gia đình cô. Ngoài các cháu, các bà cụ ở khu tập thể đỡ đần một vài việc và những người thân của Châu thỉnh thoảng đến bệnh viện thăm, cho cô chục trứng, hộp sữa ra... hầu như cả hai bên gia đình không ai giúp việc gì trong hàng đống công việc. Làm khai sinh, nhập hộ khẩu, làm tem phiếu, đi xếp hàng, giặt giũ, nấu ăn cho vợ, đun sữa cho con bé, tắm rửa cơm nước cho con lớn, đưa đón nó đi về nhà trẻ... suốt ngày quần quật sấp ngửa, vất vả đến đứt hơi, đêm về hai mắt cứ chong chong, đầu óc buốt giật, không sao chợp mắt được. Có những đêm trằn trọc vật vã anh ngồi dậy muốn vác xe đạp đến đấm cửa những ngừoi anh em chú bác nhà Châu mà thét vào mặt họ: ”Không có những thằng sốt rét, đội bom, đội đạn ở chiến trường hàng chục năm trời, làm sao các người được phè phỡn rong chơi ”gá“ mình vào các cơ quan nhà nước để lấy lương và ăn cắp, để móc ngoặc và ăn đút lót. Ti vi, tủ lạnh, xa lông và hàng trăm thứ khác nứt nở đầy nhà mà vẫn ngoạc mồm kêu to nhất về sự thiếu thốn khó khăn và những bậy bạ của xã hội“. Nhưng nói điều đó ra lúc này họ sẽ mỉm cười ”Ai bảo mày dại mà kêu. Kể công lao không được quái gì đâu, chỉ tổ người ta chê cười. Chỉ có thằng hâm mới lên án ngừơi khác làm ăn không chính đáng: Châu cũng đã có lần thách thức và dễu: ”Này, cái dũng sĩ của anh mà đổi được mớ rau muống khỏi phải xếp hàng thì cũng giá trị lắm rồi, đừng sĩ diện hão với danh từ sang trọng ấy. Có ngày chết đói đấy!“. Chao ơi, những con ngừơi ấy đang được coi là ”tân tiến“, ”thức thời“ được nhiều kẻ khác chầm vập thèm muốn? Còn nói được gì với ai nữa! Đành phải nuốt vào lòng mình nỗi bất lực để mà im lặng, để trở thành con người biết điều. Lớp da ngoài của con dần dần bong rộp như bóc được lớp vỏ màu đen để hiện ra một lớp da khác cùng trắng dần lên như mọi đứa trẻ bình thường khác. Cái ấn tượng về một di chứng bệnh hoạn do Sài gây nên cũng bong dần đi theo lớp da màu đen của đứa trẻ. ít hôm sau lại có chuyện khác. Sài đi đong gạo, rồi lại phải xếp hàng mua đường. Chỉ mang một bao tải, không ngờ lại có cả mì trắng. Anh đổ gạo xuống dưới buộc chẽn ở giữa rồi đổ mì vào ngăn trên. Do vội vàng phải đi sang bách hoá xếp hàng tiếp, anh không kiếm được dây chắc buộc ở miệng. Để tải lên sau chỗ ngồi, phần gạo nằm trên gác ba ga còn phần mì thõng xuống. Đi giữa đường dây đứt, mì đổ toá ra. Anh ngồi bốc mì, gặp Nghĩa. Cô ta lại kêu lên hoảng hốt và ngồi xuống giúp anh. Cô còn nhận đưa anh ra cửa hàng quen nhờ mua đường khỏi phải xếp hàng. Vừa đi cô vừa than vãn thương cảnh long đong vất vả của anh.

- Em thấy anh tội nghiệp ghê lắm cơ. Phải nói, em rất thương anh nhưng... Vẫn giọng chân thành: - em nói chuyện này cấm anh được nói lại với chị Châu nhé.

- Sao lại...

- Em rất tin ở anh nhưng cứ phải dặn thế để anh chú ý. Em hỏi nhé- Sài gật đầu khuyến khích- Có phải tại anh hắt hủi nhiều quá khiến chị Châu phải đẻ non không?

- Châu nói thế

- Không, em biết.

- Em biết kể cũng tài đấy.

- Vì thế em mới phải hỏi anh.

- Thế em có tin là anh như thế không!

- Thì không tin. Thấy khu nhà em nói ầm lên em mới bảo để lúc nào hỏi anh mà.

- Chuyện ầm lên ở chỗ em?

- Cấm anh không được nói là em nói đấy.

Sài hơi nhăn mặt lại như cố dìm một nỗi đau khác muốn trồi lên. Anh gật đầu như một lời thề phải giữ kín tất cả mọi chuyện. Nghĩa đã nói với anh. Cho đến mãi sau này chuyện đó thành câu hỏi chính thức của nhiều bạn bè thân thiết và gia đình ở quê. Sài đều im lặng không hề hé răng nói nửa lời thanh minh. Chỉ có riêng ngày hôm nay, sau khi chia tay Nghĩa đạp xe về nhà đầu óc quay cuồng như chong chóng, anh mới thấy mắt hoa lên, tay lái chệch choạng thế nào, chiếc xe đạp tự nhiên đổ. Anh ngã chúi đầu xuống bên đường. Không rõ vì đau đột ngột hay tủi thân phận mình quá nước mắt anh ứa ra, vội vàng giơ cánh tay áo lên gạt nước mắt. May mà đoạn đường vắng chưa có người đi đến nhìn rõ mặt anh. Nhưng còn biết kêu ai, trách ai khi mình đã phẫn nộ với tất cả mọi sự dị nghị, can ngăn của tất cả mọi người.

Chuẩn bị cho con ra viện cô hỏi anh:

- ý mẹ và các anh chị định mẹ con em về với cụ một thời gian để tiện các bác, các cô chạy đi chạy lại giúp và nhỡ khi có chuyện gì đỡ lo. Anh thấy thế nào.

Giá như trước đây anh đã sốt sắng: ”ừ tốt quá. Nhờ cụ, nhờ các bác đỡ cho anh ít ngày“. Nhưng bây giờ anh hỏi lại:

- Vợ chồng con cái mỗi người một nơi... Đang lúc em và con ốm yếu anh lại...

Bằng lời nói đánh lừa ý nghĩ trong lòng mình của một anh nhà quê lại làm cho một cô gái sành sỏi của Hà nội cảm động. Có lẽ lần đầu tiên Châu mới được nghe những lời nói của chồng quan tâm đến cô âu yếm như thế. Cô thành thật:

- Cứ nhờ bà, nhờ các bác để bố cũng đỡ vất vả một chút.

- Như thế có tiện không?

- Việc gì mà không tiện.

- Tuỳ em. Nếu em thấy thuận lợi cứ đến bà ít hôm. Có điều là cho cu Thuỳ xuống nữa thì khổ bà, mà để nó ở nhà cậu ta không chịu, hay là anh cho con về quê ít ngày.

- Cũng được. Nhưng anh phải để ý ao chuôm đấy, em sợ lắm.

- Không bao giờ em tin anh ngần này tuổi đầu có thể trông được con.

- Anh hay quên, nhỡ ra... Mà nước nôi tắm rửa cẩn thận không lại ghẻ lở hắc lào ra đấy.

Sài hơi khó chịu

- Thôi không bàn nữa. Cứ thế. Nếu em xuống bà, anh cho con đi ít ngày nó phóng khoáng ra.

Cốt thoát khỏi cái không khí ngột ngạt tù túng ít ngày, song lại không muốn phiền ai ở quên, ngay đến anh chị Tính như cha mẹ sống lại Sài vẫn không thể cứ quấy quả phiền nhiễu mãi. Anh chị cũng đang túng. Hơn nữa, bằng cử chỉ, lời nói khi anh Tính đến thăm, Sài đã thấm thía nỗi nhục nhã của kẻ ăn xin, ăn mượn. Anh đã tự nhủ lòng mình: Cái thế còn chạy vạy được, phải cố. Nhờ vả ngừơi khác để mang nợ biết bao giờ trả được. Dù họ cho không thì cũng có cách họ bắt mình phải trả. Không trả được, suốt đời phải chịu ơn và mang tiếng xấu.

Anh đã từng lên án những người ở quê nhưng chính anh lại giống họ: Rất khó thay đổi, nhưng khi đã thay đổi thị chạy luôn từ cực này sang cực khác. Để không phải nhờ vả ai, anh đã giấu vợ mua chục cân phiếu gạo và dự trù trả tiền ăn ở bất cứ nhà ai nếu đến ăn cơm nhà họ. Đến khi vợ bảo mang dăm cân gạo đi anh đã nói xẵng:

- Mang củi về rừng để làm gì?

- Cứ mang theo, ở nhà quê đang túng.

- Dù có chết đói ngay ngày mai cũng không ai người ta làm thế.

Đúng là nhà quê đang đói. Mỗi ngày gia đình phong lưu nhất mới giữ được ngày hai bữa: bữa sáng rong riềng non tèo tẽo và bữa chiều cháo nấu lẫn với su hào, bắp cải, rau cải và khoai lang. Những gia đình khác thực ra chỉ có một trong hai bữa như thế nhưng họ chia đôi để cũng có hai bữa ăn trong ngày. Đang vất vả chạy ăn vợ chồng Tính cũng đã chuẩn bị được đôi gà hai chục trứng, mươi cân gạo quê. Vợ giục giã mang cho em từ mươi lăm ngày trước, Tính vẫn chần chừ chưa tìm ra lý do để giải thích tại sao lại chậm trễ. May quá, bố con Sài về. Nghe em kể sơ qua mọi chuyện anh cười dễ dãi:

- Được rồi, anh chị đã chuẩn bị các thứ cho Châu, Sài chịu khó ngồi xe máy cháu nó lai lên rồi lại lai về.

Không hiểu tại sao anh đã trở lại tình yêu thương mình như hồi chưa lấy Châu. Song, vẫn thấy chờn chợn, Sài gạt đi:

- Thôi ở nhà mọi thứ có đủ cả rồi.

- Chuyện! Đây là trách nhiệm của anh chị, chả nhẽ nhà mình không có ai.

Để rồi em lại nghe những lời ca thán vì chú mà tôi kiệt quệ, con cái nheo nhóc!

Vợ Tính thấy hai anh em im lặng vẻ khó khăn, chị lấy hai ngón tay gon cốt trầu ở hai khoé môi lại, nói. Bao giờ chị nói cũng đơn giản nhưng không thể phản đối:

- Đừng ngại chú ạ. Anh chị không như ngừơi khác giúp ai một tý bằng cái móng tay, ngồi kể công hết năm này, tháng khác. Chị vẫn bảo anh chú, sức mình lo được cho em đến đâu cũng không tiếc. Không lo được nó cũng không bắt vạ mình. Tôi không đồng ý với bố nó khi bốc đồng lên thì chả tiếc gì nhưng có lúc lại đi nhắc lại chuyện cũ. Như thế, có khác gì mình đòi nợ. Tôi xin bố nó và chú từ nay anh em nhà mình có gì không nên không phải bảo nhau, còn đồng tiền bát gạo xong đâu bỏ đấy, không khi nào được đả động đến như kiểu anh chị em con cháu nhà khác.

Cả hai anh em đều sượng sùng. May có cu Thuỳ hớt hải chạy về mách bố: ”Anh gì, nhà bác gì lại bảo bố Thuỳ không phải tên là Sài bố ạ“.

Những ngày ở quê hoàn toàn khác hẳn với sự chuẩn bị của anh. Ai cũng quý mến vồ vập. Những ngừơi mà cả mấy chục năm nay hoạ hoằn mới về quê dù đi xe đạp, xe máy hay đi bộ anh cũng không tường mặt ai, không nghe rõ tiếng một người nào, anh chỉ lướt qua sự cặm cụi lam lũ của họ ở hai bên đường. Bây giờ gặp ai cũng là họ hàng thân thiết: Độ này thím ấy có khoẻ không? Sao cậu không đưa mợ và cháu bé về. Giời ơi dạo này trông em chị rạc đi như một ông lão, chị không nhận ra cứ tưởng lão hàng tre ở chợ Bái. Anh trai không biết em đâu. Em là Được con gái đầu của cô Thơ em ruột cụ đồ nhà mình đây mà. Eo ơi, trông anh già hơn cả anh Tính. Có nhẽ già như ông Hà chứ không ít. ở Hà Nội làm việc trí óc của người ta, không già lại thế nào. Ai cũng mời mọc, hẹn hò. Một cô bé chừng mười bảy tuổi rất xinh gái đứng lặng nhìn mọi ngừơi đang quây quần ríu rít quanh người Sài nói cười hơ hớ. Cuối cùng nó níu tay anh: ”Tối nay chú ra nhà cháu nhớ?“- ”Mày là con nhà ai?“. Mọi ngừơi cùng cười oà ra. Trời ơi, con nhà anh cả đấy. Con bé cũng cười. Ngày thím sinh em Thuỳ cháu cũng ra nhà đấy thôi. Tất cả lại cười thú vị về sự nhầm lẫn không thể nào ngờ tới của ông chú ruột quý tử lại đãng trí đến thế. Thằng con vợ cũ được anh xin vào trường văn hoá quân đội cũng nghỉ mùa.Nó làm được mọi trò, mọi việc cho thằng em thoả chí thì thôi. Cu Thuỳ thích chơi với anh hơn là đi với bố, Sài dặn con: ”Không được rời em nửa bước nghe không“. Một lời của anh là một mệnh lệnh vô cùng thiêng liêng hệ trọng đối với nó. Anh tin là không bao giờ nó làm sai. Chỉ cho con theo đến các gia đình quanh xóm, rồi để nó chơi với anh, Sài theo Tính đi hết họ hàng nội ngoại, các gia đình cán bộ cũ và mới, ở thôn nhà và các thôn khác. Ngày nào cũng đi. Mỗi nhà chỉ dăm mười phút, đi cả hàng tuần lễ vẫn chưa hết lượt. Bằng những cử chỉ rất chủ động, những lời nói xô bồ, phóng khoáng, gặp ai Sài cũng nói năng hoạt bát. Già hay trẻ, lầm lì hay ngang ngược anh cũng làm thân ngay được. Đến nhà ai cũng được khen: Anh Sài vui tính đến thế. Người ấy đi đến đâu mà chả được quý mến. Ông em có vẻ hoạt bát nhanh nhẹn hơn ông anh. Người có học hành đi nhiều cũng có khác. Cái gì cũng biết, chuyện gì cũng nói được.

Hàng tuần lễ đến nhà nào cũng như về nhà mình. Hoặc là bạn bè của bố mẹ hoặc bạn của anh chị, hoặc họ hàng, cháu chắt, hoặc chả hề quen biết gì với anh nhưng ai cũng thành thật tốt bụng. Bà con mình tốt quá. Chịu thương chịu khó lam lũ cực nhọc quá. Cứ ở phố xá gặp và nghe không ít những kẻ đài các và giàu sang, kẻ du côn và trộm cắp, phe phẩy, ăn nói và tìm cách lẩn tránh trách nhiệm và nghĩa vụ với xã hội thì tưởng chủ nghĩa xã hội mất đến nơi rồi. Về đến quê, thấy yên tâm hẳn, tin ngay là chủ nghĩa xã hội còn, nhất định sẽ vượt qua được những thử thách quyết liệt để đi lên vững chắc. Những người nông dân tốt bụng thế, chịu khó thế, bảo gì cũng nghe, ăn gì cũng được, mặc gì cũng xong, khổ mấy cũng chịu, khó bao nhiêu cũng làm. Nơi nào có gì làng này có đấy, có khi còn sớm sủa hơn các nơi khác. Nghĩa là từ tổ đổi công lên hợp tác thấp, hợp tác cao, từ xóm hợp nhất thành thôn rồi lên cấp cao toàn xã, rồi khoán trắng khoán đen đến năm ba khâu quản... Đủ tất tật mọi thứ, nhưng những con người tốt cực kỳ ấy tại sao mấy chục năm qua vẫn khổ sở đói khát chưa từng gặp bất cứ ở đâu. Không biết nó ở nguyên nhân cao xa nào? Không biết. Nhưng bằng con mắt thường của người bình thường cũng đã nhận ra được khối điều. Hơn hai chục năm nay thay hàng chục ông chủ nhiệm và quản trị mà cái kẻng treo ở chỗ cổng nhà tổng Lợi ngày xưa làm hiệu lệnh đi làm cỏ và đi họp cho cả sáu đội sản xuất vẫn không thay và không chuyển nó đến chỗ trung tâm. Nó bằng non nửa thanh tà vẹt du kích phá đường lấy về từ cuối năm bốn chín. Vứt vạ vật mãi đến khi có tổ đổi công đem về treo lên làm kẻng. Đến bây giờ nó đã bục ở giữa, phía dưới giập, phía trên rỉ hết lớp này tở ra lại đến lớp khác. Mỗi lần gõ vào nó chỉ cạch... ạch... ạc mà vẫn cứ đều đặn ngày năm lần phó chủ nhiệm phụ trách sản xuất sai con ra đánh kẻng giờ làm, giờ nghỉ, giờ họp. Và cái giờ giấc đi làm không biết ai quy định từ khi Sài mới đi bộ đội đến giờ vẫn đúng như thế. Bất chấp mùa nào. Bất chấp thứ hoa màu gì. Bất chấp thời tiết ra sao. Sáng bảy giờ đánh kẻng. Tám rưỡi đủ người. Chiều hai giờ đánh kẻng. Ba rưỡi hoặc hơn mới í ới gọi nhau. Chiều nào Sài cũng lang thang đi khắp cánh đồng. Nhìn đến khoảng nào anh cũng phì cười. Nó vừa lộn xộn, tuỳ tiện vừa máy móc: Chỗ cao thì trồng lúa. Chỗ thấp trồng khoai lang, ở dưới đầm lầy thì có mương dẫn nước.Trên cánh đồng bãi rộng mênh mông trồng lúa thì không có lấy một cái rạch. Cần nước thì phải chạy ngược chạy xuôi, mổ gà lợn lạy lục trên huyện, thuê trong, thuê ngoài các loại máy về bơm. Chỉ tính tiền công thì đã quá tiền thóc thu được. Đấy là chưa kể lợn gà và gạo, rượu, phải ”xân xiu“ ở các khoản khác. Công một lao động chính của các đội cấy lúa là nửa lạng thóc. Cũng là do đã ”bắn“ một số khoản sang chỗ khác mới được thế.

Còn ở phía bãi bồi sông dài gần mười ki-lô-mét chạy dọc phía ngoài xã, có chỗ rộng gần một ki-lô-mét, chỗ hẹp nhất cũng hơn năm trăm mét thôi thì đủ thứ tuỳ tiện. Xoan và xà cừ, phi lao và chuối, lạc đậu, vừng, ngô, lúa lốc, sắn và khoai lang, dong riềng và sắn dây, bí ngô và su su, dưa gang, dưa đỏ, dưa lê, dưa chuột, su hào thuốc lá, hành và mía. Ngừơi ta bảo với Sài đấy là đất khoán. Mùa nào thức ấy, ai muốn trồng gì thì trồng rồi quy ra ngô nộp cho hợp tác. Sài nhìn thấy việc gì, nghe thấy chuyện gì, đến chỗ nào cũng thấy ngứa mắt, thấy bực bội, thấy ao ước, thèm khát một cung cách, một sự thay đổi. Nhưng góp ý với ai? Sẽ đi tới đâu? Đã bao nhiêu cơ quan, chuyên viên đến đây chắc họ cũng đã góp ý, chỉ thị, đã có hàng loạt những nghị quyết và biện pháp! Người đi làm cũng như người ở nhà, người đi Tây cũng như người đi buôn, cũng quần loe áo chẽ, hon đa các loại, rađiô, cát sét các loại, đám cưới cũng đài loa. Có đám cũng có cả Micrôfôn, không cần dây để ”kính thưa hội hôn“... Nghĩa là cũng có những thứ tiên tiến, những con ngừơi mới mẻ, nhưng vì sao mấy chục năm qua vẩn luẩn quẩn, vẫn tù túng, vẫn không thoát khỏi đói nghèo. Có nên nhân danh một đứa con của làng xã, một người cộng sản phát biểu thẳng thắn những suy nghĩ của mình không???.

Tiến, bí thư huyện uỷ xuống xe định bước vào phòng, nghe tiếng gọi, anh quay lại. Ngớ ra vài giây nhìn ngừơi đang cười đi về phía mình:

- Ô anh Sài! Về khi nào? Chết chửa, độ này trông già quá, tôi không nhận ra nữa.

Không phải từ hôm cùng chú đến thăm Sài và nhìn vào tình cảm của ông, Tiến mới quý mến anh. Năm Sáu Ba Tiến là cậu học sinh lớp tám đến thăm chú trong dịp hè đã nghe chuyện học hành của Sài và mấy lần xuống bếp trung đoàn bộ lấy cơm của cậu đã tìm cách ”xem mặt“ anh. Hôm đến nhà, Tiến nhận ngay ra Sài nhưng phần đi cùng chú, phần biết Sài không để ý đến mình anh vẫn làm ra vẻ chưa quen. Kéo Sài vào phòng vừa pha nước, đưa thuốc mời anh Tiến vừa kể về cái kỷ niệm ấy. Rồi đi Liên Xô học ngành cơ khí, rồi về nước được điều vào công tác ỏ một huyện thuộc khu Bốn, hai năm sau vào Đảng. Rồi trúng thường vụ. Đảng ủy làm trưởng trạm máy kéo sau được điều làm phó chủ tịch phụ trách nông nghiệp. Rồi trở lại Liên Xô, học nghiên cứu hai năm sau về công tác ở Bộ Nông nghiệp, sau đó được điều xuống tỉnh làm phó ty nông nghiệp Tiến đã ”khai lý lịch“ theo những câu hỏi ”sau đó“ của Sài.

- Anh về từ hôm nào? Sao hôm nay mới vào đây. Gần một tháng nay tôi phải nằm dưới xã cũng không gặp anh Tính. Mấy lần lên Hà Nội nhưng lần nào cũng cập rập, không sao vào anh được

Tiến báo văn phòng làm ”cái gì“ để anh tiếp khách. Sài từ chối vì anh đã chuẩn bị chiều nay hai bố con về Hà Nội.

- Xong! Anh cứ chuẩn bị đi. Sáng mai sáu giờ tôi qua đón anh. Cũng may tôi về Hà Nội ngày mai nếu không anh cũng chẳng tìm được tôi ở chỗ nào

Sau những ”thủ tục“ ấy Sài mới hỏi Tiến:

- Anh xuống Hạ Vị luôn không?

- Thú thực với anh hơn hai năm về đây mới xuống đó được ba lần.

- Anh thấy tình hình ở đây thế nào?

- Chính tôi cũng đang đau đầu về nó. Một vùng đồng đất màu mỡ nhất huyện mà lại nghèo đói, lạc hậu nhất. Hàng chục năm nay nó không có sản phẩm gì đóng góp cho Nhà nước ngoài mấy tấn lợn, dăm trăm con gà, vài chục tạ chuối tiêu, mươi lăm tạ đậu xanh, ít lạc, ít đậu nành... - với nó là to, nhưng chỉ đủ làm ”gia vị“ cho các cuộc liên hoan, có ra tấm ra món gì đâu. Ngoài các thứ đó ra năm nào huyện cũng phải cứu tế, phải bán hàng trăm tấn gạo mà đói vẫn hoàn đói.

- Nhưng nó lại vào loại xã trung bình khá của huyện?

- ấy nó khó thế đấy. Những ”thằng“ Dại, Thuần, ”thằng“ Bình Mễ sản lượng bao giờ cũng tăng, nộp và bán nghĩa vụ cho Nhà nước, năm nào cũng vượt đời sống nông dân cao vào loại nhất nhì trong tỉnh, nhưng nghĩa vụ quân sự không năm nào là không vất vả mà vẫn không đạt. Dân công đắp đê, đào sông, đắp đập, làm đường những ”thằng“ ấy cũng thay nhau bét huyện. Nhiều lần Hạ Vị làm xong suất của mình rồi còn đi làm thuê cho các xã kia. Mấy năm gần đây, anh nào nhận phần các công trình đều gạ thuê Hạ Vị. Được cùng làm một khu với dân ”Phường thổ“ thì hoàn toàn yên tâm. Nghĩa vụ quân sự nó nhất. Nghĩa vụ dân công nó nhất. Đóng góp tre, rào kẻ đê, làm trường cấp ba, bệnh viện, họp hành... cái gì nó cũng có. Cứ đi thi và làm tổng kết, báo cáo thì bao giờ nó cũng nhất. Chỉ mỗi tội đói. Kể ra mà huyện không bán cũng không chết. Nhưng ai nỡ nhẫn tâm. Thú thật với anh tôi đi chưa được nhiều nhưng những nơi tôi đã đến không thấy ở đâu đầu tắt mặt tối, lam lũ như làng anh. Có nhà hàng năm không biết đến hạt gạo, trừ ngày tết, lúc ốm đau. Gạo cứu tế họ toàn phải để phòng xa chứ đâu dám ăn.

- Theo anh thì do cái gì?

Ngẫm nghĩ một chút Tiến tiếp:

- Mấy năm nay tôi cũng đặt câu hỏi đó. Đến bây giờ vẫn chưa được kết luận chính thức ở thường vụ. Riêng tôi, nguyên nhân chủ yếu vẫn là đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã. Nói đúng ra nếu chỉ có được một người chủ trì biết cách làm ăn và dám chịu trách nhiệm thì nó cũng khác đi.

- Chả nhẽ mấy chục năm nay cả xã không có được người nào như anh nói.

- Tôi không rõ lắm. Nhưng tôi tin là có. Có người như thế lại phải có người của cấp trên dám tin. Dám giao trách nhiệm, dám nhìn thẳng vào thực chất của xã. Không vì sĩ diện, không vì thành tích các mặt khác, dám phá bỏ một nề nếp, một thói quen, tìm ra một cung cách phù hợp nhất, đúng với nó nhất. Tôi cho là khi ở xã có ngừơi như thế thì huyện lại không ủng hộ, hoặc không ưa, hoặc không nhìn ra, hoặc vì trăm thứ khác ràng buộc, người nọ nhìn người kia, cơ quan này sợ cơ quan khác, sợ không đúng quy cách của tỉnh. Khi huyện thèm một người như thế thì lại kiếm không ra. Những người kỳ cựu nhất của xã có kinh nghiệm, hiểu biết thì bản thân họ vốn ”tròn“ hoặc ”bị gọt tròn“ cho vừa huyện, vừa tỉnh.

- Tệ tham ô ăn cắp trong ban quản trị có là nguyên nhân chính khiến bà con làm được miếng nào bị ăn hết miếng ấy?

- Không, chuyện ấy có. Nhưng không phải là quyết định. Nó làm ra mười, cứ cho là nó đã ăn cắp bảy đi, thì người làm cũng còn được ba. Đằng này, không làm được cái gì mà lại ăn cắp, ăn chặn, mới khổ dân chúng. Nói thế không có nghĩa là mình dung túng bọn ăn cắp. Trong hai năm qua tôi đã giải tán hai chi bộ vì tội đó. Mình có đủ công an, toà án, kỉêm sát, chính quyền, hàng chục cơ quan của huyện, có pháp lý, luật lệ, có nghiệp vụ, có quần chúng ủng hộ, đầy đủ sức mạnh để bóp chết cái tệ nạn ấy sợ gì. Khổ nỗi những nơi như ở Hạ Vị không có người để mà bấu víu, phất nó đứng dậy.

- Bí thư Hạ Vị tận tình tốt bụng và cũng mới mẻ đấy chứ.

- Anh ấy là ngừơi rất tốt. Nhưng thiếu ”cái đầu“ cũng không ra của được. Ngày xưa các cụ bảo ”một ngừơi lo bằng một kho người làm“.

- Huyện đầu tư cán bộ và ”vực“ nó.

- Đã làm nhiều rồi chứ. Nhưng dựng dậy xong mình về huyện nó lại ”ngã“. Với lại huyện đâu chỉ có một xã đẻ mà làm thay mọi việc.

Đã định gặp bí thư cốt để ”kêu“ hộ nỗi thống khổ của dân chúng Hạ Vị, nhưng không ngờ Tiến đã biết mọi chuyện ngóc ngách còn hơn mình. Thành ra Sài chỉ đóng vai ”tìm hiểu“. Hai người nói chuyện với nhau đến khi chánh văn phòng mời sang nhà khách ăn cơm, Tiến mới nhận ra mình vẫn mặc bộ quần áo lao động màu xanh, hằn trắng từng vệt mồ hôi muối. Anh bảo đợi cho anh dội qua mấy gầu nước nhưng vẫn không quên hỏi Sài:

- Anh thấy có cách gì gỡ cho ”thằng“ Hạ Vị?

Tiến ngồi xuống rót nước, cử chỉ như bảo Sài ”ta cứ bình tĩnh trao đổi với nhau đã“. Sài thận trọng:

- Bé đi học, lớn đi bộ đội, người ở quê cũng coi như người thiên hạ, tôi hiểu không thật chắc lắm. Chỉ có một điều tôi cứ tự hỏi và ước ao: Tại sao không chuyên canh một loại cây trồng nào đó vừa thích hợp với đồng đất, vừa có giá trị thu hoạch cao mà tôi tin là không thể nơi nào cũng cho năng suất cao bằng nó.

Tiến nhổm hẳn người vươn hai tay nắm lấy bàn tay Sài:

- Rồi. Rồi! Từ hôm đầu tiên về huyện đi qua Hạ Vị cho đến nay tôi vẫn phẫn uất về sự nham nhở trên cánh đồng của nó. Anh rời tay Sài ngồi xuống buồn rầu: - Chả nhẽ tôi lại xuống làm chủ nhiệm ở đây. Còn nói thì các anh cũ ở đây bảo là nói với nó nhiều rồi và cũng có làm rồi đấy.

Cả hai người đều còn băn khoăng về cái làng Hạ Vị khốn khổ, chánh văn phòng đi qua cửa, Tiến như giật mình đứng dậy:

- Có dịp nào tôi với anh bàn thêm. Ta quan tâm đến nó vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm.

Khi ăn cơm và uống nước Tiến mới có dịp hỏi thăm Châu và tình hình cháu thứ hai. Lúc anh ra về, Tiến gửi cho cháu hai hộp sữa và cho cu Thuỳ gói kẹo của người bạn vừa ở nước ngoài về. Buổi gặp này cùng với những ngày ở làng đã gây cho Sài một tâm trạng vừa gần gũi, yêu thương vừa day dứt bực bõ, với làng quê, nơi đã sinh và nuôi lớn mình. Vừa không thể nào dứt nó. Vừa thấy nó với mình tách biệt khó có thể chấp nhận. Anh đạp xe về đến chợ Bái thì nghe tiếng gọi dù mấy năm không gặp nhau anh vẫn nhận ra tiếng Hương và anh trở nên luống cuống. Những thứ gì Hương gửi, anh Hiểu đều nói là của người này, người kia nhưng Sài đều biết đó là của ai. Anh thầm cảm ơn Hương. Đã biết Hương không bao giờ thích màu mè khách sáo, anh vẫn múôn có dịp nào gặp để nói câu gì đó, không biết là sẽ nói gì, nhưng bằng mọi cách phải chứng tỏ để Hương biết là tất cả những thứ Hương gửi cho đều rất quý rất có tác dụng giúp Sài vượt qua những ngày rét buốt. Cả hai đều không biết nhau về quê. Hương đã ở nhà được hai ngày, cũng chưa đến được anh Tính. Hương đi về nhà mình để Sài dắt xe theo. Đến đoạn vắng ngừơi, anh đi gần lại hỏi:

- Lấy tiền đâu mà sắm sửa cho anh lắm thứ thế.

Hương giãy nảy lên:

- Này này ông ơi, cẩn thận đấy. ở nhà đã ai biết chưa?

- Làm sao mà biết được kia chứ. Nhiều lúc em cứ lo quá không cần thiết.

- Không thể cứ tô tô như anh để mà tan nát hết à.

- Cẩn thận được như anh đã có mấy người!

- Phải cẩn thận lắm mới thế.

Sài hơi lặng đi. Hương biết mình lỡ lời nhưng cô không cần chữa lại. Về đến nhà cô bắt Sài kể đầu đuôi vì sao để đến nỗi tiều tuỵ như thế này.

- Mọi chuyện xảy ra ở gia đình anh chắc em biết!

- Chưa.

- Anh Hiểu, anh Tính không nói gì?

- Không bao giờ em đi hỏi như thế.

Quả là Hương không hề hỏi các anh ấy. Nhưng chuyện gì xảy ra ở nhà Sài , Hương đều biết cả. Cô muốn anh kể, vừa như là kiểm tra tình cảm của anh với vợ, vừa kiểm tra lòng thành thật đối với cô. Phần khác, cô muốn bắt anh làm một cuộc ”thú tội“ về những sai lầm do trước đây không nghe lời cô. Sài kể thành thật về mối quan hệ của vợ chồng anh. Hương thở dài khuyên anh đằng nào cũng lỡ, nên vì những đứa con mà nhường nhịn bỏ qua cho nhau. Sài bảo:

- Cũng phải thế thôi, bằng cách nào khác được.

Cô lại phải cố nén môt hơi thở dài rất buồn rầu. Và, đến lúc ra về, trong nhà chỉ có hai người Sài nắm lấy tay cô, cô giật phắt, mạt cau lại khó chịu.

- Anh rất buồn cười, không còn ra thế nào nữa

Có lẽ từ khi yêu Hương đến giờ, đây là lần đầu tiên Sài cảm thấy xấu hổi cho đến ba năm sau khi gặp lại Hương ở quê Sài vẫn thấy mình sượng sùng, không dám nhìn vào khuôn mặt cô đang nóng bừng bừng trong cái đêm trăng khuyết của ngày 26 ta.
..................................................
bạn đang đọc truyện tại yeutruyen.wapsite.me chúc các bạn vui vẻ
.....................................................
Chương 12

Chị đã biết tin gì chưa?- Cô gái lúc đầu là bạn của Châu về sau là bạn chung của cả hai người. Cô ta nhiều tuổi và khôn ngoan hơn Nghĩa. Nhưng Nghĩa đối với Sài thế nào cô cũng bênh và thương Toàn hệt như thế. Ngày xưa mỗi lần gặp Châu, nhìn vẻ mặt trịnh trọng của cô ta Châu biết thế nào cũng có một chuyện gì đó ở Toàn. Đã vài ba năm nay, thỉnh thoảng đi đường trông thấy nhau gật đầu một cái rồi đường ai nấy đi, việc ai nấy làm. Lần này thấy Châu, cô ta reo quớ lên xuýt nữa đâm xe vào người khác. Đã lấy chồng có con, tính nết vẫn không thay đổi chút nào. Đáp lại vẻ hào hứng trịnh trọng của cô là sự chán chường của Châu:

- Với mình lúc này không có gì quan trọng cả.

- Vợ chồng anh Toàn ly hôn rồi đấy.

Châu nổi cáu:

- Thế thì có liên quan gì đến mình.

Cô gái kia bị hẫng, đần mặt ”chịu tội“. Một lúc sau cô mới dè dặt thanh minh.

- Em tưởng... chị...

- Cậu vẫn tưởng mình đánh đu theo đuổi hắn đấy à?

Cái mẩu tin ngắn ngủi đã làm Châu giận dữ trước mặt bạn sao lại có thể bám riết lấy cô suốt đoạn đường từ cơ quan về nhà! Có thể anh ta đã làm đúng như là đã bàn với mình: ”Anh còn nóng ruột gấp mười lần em. Nhiều mối phức tạp lắm, phải từ từ lựa thời cơ. Lúc nào đặt vấn đề là chắc ăn nếu không khéo họ phát hiện ra quan hệ của chúng ta, khó lòng giải quyết được. Cứ để cho anh lo việc này em nhé! Đồng ý không nào? Em anh ứng phó mọi việc rất giỏi mà đôi lúc cũng hơi nóng nảy đấy...“ Chưa bao giờ anh ta giận dỗi, chấp nhặt và cãi nhau vặt với mình, kể cả lúc mình đã tát anh ta. Đi với anh ta mình luôn luôn chỉ là đứa trẻ con đành hanh. Anh ta nghe theo mình tất để lúc khác lại nói lại làm mình cứ phải đần mặt ra nghe. Vừa ân hận vừa xấu hổ cứ phải bịt mồm anh ta lại: ”Thôi thôi, em không cho nói nữa“. Mặt Châu bỗng nóng bừng lên. Cô căm tức với những ý nghĩ của mình. Cô xua đủôi nó bằng cách đạp xe như lao về nhà, quên cả mua rau. Nhìn thấy chồng bế con ở nhà trẻ về, cô vội vàng thú nhận:

- Em quên không rẽ qua chợ mua rau rồi. Sợ anh về muộn con mong.

- Thôi ta ăn ”khan“ một bữa vậy. Em chơi với con để anh nấu ăn.

Chưa mấy khi cô cảm thấy yêu chồng, yêu con như bủôi chiều hôm nay. Anh ấy cũng độ lượng quá, tốt bụng quá. Một tình cảm vừa bùng cháy vừa hoảng sợ khiến đang đêm khi các con đã ngủ, cô sang chiếc giường một ôm chầm lấy anh và ”chiều em một tý“. Đến khi ngây ngất trong niềm sung sướng cô siết chặt lấy anh như thể lơi ra thì anh sẽ chạy mất. Vừa rên rỉ cô vừa dặn: ”Yêu em anh nhé“. Anh gật đầu uể oải.

- Sao độ này anh ít nói thế.

- Anh mệt.

- Em làm anh buồn phải không?

- Không.

- Nói dối em.

Vẫn là ấm ức giận hờn, lúc này anh chồng đã cảm động tin vào tình yêu mãnh liệt mãi mãi của vợ dành cho mình. Nhưng. Sáng hôm, từ rất sớm, nấu cơm xong khi vợ chưa dậy làm phần việc của cô tiện bếp anh đun sữa cho con. Khi vợ dậy rửa mặt cho bé Thuỳ và đánh răng, anh bế đứa nhỏ lau miệng nước muối rồi cho con ăn. Vừa dốc ngược chai sữa vào miệng con anh đã thấy cô nhảy từ cửa bếp lên giật lấy chai sữa: ”Sao ngu thế? Ai bảo cho con ăn cái sữa này!“ Cô vừa dốc ồng ộc chai sữa xuống rãnh nước vừa than vãn:

- Khổ ghê cơ. Làm gì cũng lau cha lau chau. Ngần ấy tuổi đầu không hề biết tí gì. Nhìn hộp sữa vàng khè vẫn đem cho con ăn. Liều lĩnh đến thế là cùng. Tại sao thấy sữa thế anh không hỏi.

Anh ngồi lặng không thể nói được câu gì. Cũng như mọi lần ”va chạm“, không bao giờ cô là người phải ”xuống thế“ làm lành nên cuộc ”chiến tranh lạnh“ lại xảy ra như hàng trăm lần trước đây. Chỉ có khác là hơn tám tháng nay kể từ khi có đứa con thứ hai mỗi lẫn giận nhau Châu không nấu ăn riêng và Sài không đến ngủ ở bàn làm việc của cơ quan.

Sự im lặng nín nhịn của Sài làm cho Châu có phần nể sợ, đồng thời cô phải dè chừng sự thay đổi ”tốt“ lên một cách khó hiểu. Có thể bạn bè và gia đình đã là cho anh ta chán ngán cuộc sống với vợ con! Châu tự đặt câu hỏi rồi lại gạt đi. Biết mình còn thừa sức ”dắt mũi“ anh ta theo, cô hoàn toàn tin ở cách sống và sự điều khiển của mình đối với anh ta. Cả tuần lễ, vẫn việc ai người ấy làm. Sài nấu cơm, giặt giũ, đón Thuỳ ở nhà trẻ, đi xếp hàng mua gạo mì, dầu, và các tiêu chuẩn đột xuất khác. Châu cho đứa bé ăn, tắm cho cả hai, mua các tem phiếu thực phẩm và trông con. Họ chỉ nói với nhau những gì thật cần thiết mà cu Thuỳ không thể truyền đạt nổi. Thằng bé rất thích với công việc nghe người này xui để sai bảo bắt bẻ người khác. Cả bố và mẹ đều phải nghe lệnh của thằng bé.

Giận nhau hơn một tuần, theo lệ thường cũng đã đến hạn phải làm lành với nhau, nhưng chưa có cớ thì Châu gặp Toàn ở giữa đường. Đang lai con đi mừng đám cưới của một đứa bạn, tự nhiên con giật đuôi áo: ”Mẹ ơi, bác Phòng, bác Phòng“- ”Bác Phòng nào“- ”Bác Phòng vẫn đến nhà trẻ cho con kẹo với bao nhiêu là thứ đấy“. Châu chưa kịp nhìn lại, Toàn đã đi đến bên. Cu Thùy nhảy nhôm nhổm ở sau xe reo: ”A bác Phòng đây rồi, hay, hay quá, cháu chào bác Phòng ạ“. Châu không ngờ các thứ đồ chơi và bánh kẹo con mang về khoe bác Phòng bố của bạn con cho lại là Toàn. Nhưng cô không xỉ vả chạy trốn anh như mọi lần. Cô chỉ chau mặt lại.

- Sao anh liều thế?

Toàn hỉêu Châu mắng anh tội gì. Anh đi gần ngang mặt cô nói nhỏ:

- Tha lỗi cho anh, anh nhớ con- Thấy Châu trợn mắt ngoái về phía sau:- Anh nhớ cháu quá. Ngoài công việc ra, anh có ai chơi bời ngoài Thuỳ đâu.

Châu không dám nhìn anh. Cô vẫn hình dung ra nỗi đau khổ hiện trên khuôn mặt trái xoan và trong đôi mắt đầy nỗi u buồn của anh. Kể cũng tội, hai đứa con lớn đi cả, một thân một mình. Thấy chiếc xe của mình hơi chệnh choạng, nhưng cô vẫn phải cố nói một câu đầy kiên quyết:

- Em nói lại: từ nay anh không được đến chỗ nó nữa. Câu nói như một nhát chém ngang mặt khiến Toàn hơi so người nhắm mắt lại. Anh trút ra hơi thở dài đau đớn.

- Thôi được, anh không dám làm trái ý em. Em cầm hộ cho con à cho cháu cái này hộ anh.

Nói rồi anh nhanh chóng quàng chiếc bị cói đang là ”mốt“ của những người sang trọng hiện nay sang ghi đông xe Châu. Châu chưa kịp phản ứng đã nghe một câu thật tội nghiệp.

- Thôi mẹ con đi kẻo có người trông thấy.

Không để cho cô nói gì anh đã vòng xe quay lại. Ruột gan Châu thậm thột không yên. Cu Thuỳ lại giật áo: ”Mẹ ơi bác Phòng đâu rồi?“- ”Bác ấy về nhà bác“- ”Nhà bác ở đâu hở mẹ“- ”Mẹ không biết“- ”Sao mẹ không biết?“- ”Không quen bác ấy“- ”Thế mẹ có thích chơi với bác Phòng không“- ”Không“- ”Sao mẹ lại không? Bác ấy yêu Thùy lắm“- ”Thôi không nói nữa. Mẹ mệt lắm rồi“- ”ứ, ừ đi về nhà bác Phòng cơ“.

Châu đưa con đến đám cưới rồi nhanh chóng trở vè nhà mẹ . Đợi con chơi với bà, Châu mới vào buồng xem những gì trong chiếc bị cói. Một bộ quần áo ”bò“ và áo len, quần len, mũ len cho Thuỳ. Cả bánh kẹo, đường và sữa. Một miếng ”sẹc“ màu cà phê sữa, cô chắc chắn là dành cho mình. Mới hai tuần trước Châu than vãn với một chị trong cơ quan là trông miếng ”sẹc“ màu cà phê sữa thèm quá, em thích vô cùng nhưng không có tiền đành chịu. Tại sao anh ta lại biết chuyện này! Châu luống cuống xếp mọi thứ như sợ ai thấy. Ngoài bánh kẹo, đường sữa ”bà và các bác cho“ còn vải và quần áo cô để lại chỗ mẹ. Như rất nhiều lần khác gặp Toàn hoặc có chuyện gì liên quan tới anh khi trở về nhà cô vừa lo ngại vừa cảm thấy thương chồng hơn. Muốn làm tất cả mọi việc để chứng tỏ mình rộng lượng, bao dung với chồng con, thấy thèm sự đầm ấm khi lòng mình đang trống trải. ở nhà, Sài đang nói chuyện với ”chú“ lai gạo hôm trước. Thấy ”chú“ Châu mừng rỡ thực sự vì nhiều lẽ. Thứ nhất Châu rất quý sự tận tình của ”chú“. Thứ hai đang lúc ruột gan rối bời nếu lại gặp khuôn mặt lạnh giá của chồng thì khổ vô cùng. Phần khác, quan trọng hơn: Châu biết Sài nghi kỵ những mối quan hệ của cô với các ”chú“ các ”anh“. Với những người đó Châu chỉ thấy họ rất tốt với Châu, giúp đỡ Châu bao nhiêu việc lớn nhỏ mà không hề đòi hỏi, nhờ vả ở Châu việc gì. Ngoài đó ra Châu thấy họ hoàn toàn vô tư và cô cũng rất ”trong sáng“. Nếu Sài nghi họ tức là đánh vào chỗ trống. Nhân ông ”chú nuôi“ đến đây Châu tỏ rõ mọi sự thân thiết quý mến để Sài có biểu hiện sự nghi kỵ nào đó, cô sẽ làm to chuyện lên. Mọi người nhìn sự ”cọc cạch“ quá thể giữa Châu và ”chú“ sẽ nghĩ anh chàng này đa nghi, ghen tuông vớ vẩn không đâu vào đâu. Cái tiền lệ của sự vô lý giúp cô nếu không may có chuyện gì nghi vấn về mối quan hệ giữa cô và Toàn sẽ không ai coi chuyện đó là có thật, thậm chí người ta không thèm để ý đến nó. Một trong những dự kiến của Châu đã xảy ra. Cô rất hài lòng. Sài tiếp ”chú“ rất nhiệt tình và thành thật. Châu không hỉêu hết lý do vì sao hai người lại có vẻ rất thân thiết. ít hôm sau Sài chỉ bảo: ”Em quý mến ai anh cũng quý mến người đó có gì là lạ“. Nhưng cái chính là từ lâu, khi phát hiện thấy vợ có vẻ không thành thật trong cuộc sống vợ chồng anh quyết định không ”theo“ làm gì những mối quan hệ của cô cho mệt. Được đến đâu hay đến đó. Khi ông ”chú“ mới đến, nhìn mặt ông ta Sài cũng biết ông ”chú“ này chắc cũng có nhiều ”cháu“ gái nuôi. Ngồi một lúc thấy ông vén quần gãi ghẻ sồn sột và quần áo mặt mũi đều rất ”cũ“ anh biết cô vợ ranh ma của mình chỉ lợi dụng ông già khốn khổ này hầu hạ. Tự nhiên anh thấy thương hại ông. Hai người trở nên thân thiết như bạn, như là chú cháu thật. Châu bảo:

- Chú ở đây ăn cơm. Đằng nào cũng đến bữa rồi. Mà ăn mãi với bà lão, hôm nay ở đây với các cháu một bữa.

Ông chú đang ngần ngừ Sài tiếp:

- Chú ngại tối, ăn xong cháu đưa chú về.

- Không ngại gì nhưng...

- Thôi, không nhưng gì nữa. Anh bế con ngồi với chú để em làm.

- Thôi đưa cháu cho ông, cùng làm cho nhanh.

Thế là gần hai tuần lễ mới lại có cớ để mặt mũi được giãn nở một chút, lòng dạ đỡ âu sầu u uẩn. Sau những ngày làm lụng vất vả, những đêm đau đáu trong nỗi bực bội, cái hy vọng êm thấm lại hé mở. Sài đặt mình xuống đã ngủ say. Nghe tiếng ngáy đều đặn rất vô tình của chồng ở giường bên Châu lại càng thấy mình lẻ loi. Lúc vui vầy cũng như khi buồn đau không có ai chia sẻ, san vơi, sống với chồng như sống với hàng xóm trái tính. Tiếng rè rè của đứa con nhỏ cắt đứt nỗi dằn vặt của ngừơi mẹ. Cô vùng dậy bật đèn thay tã cho con. Đứa bé không ăn đêm như anh. Chỉ đến tám giờ đặt xuống là ngủ lăn, ngủ lóc không khác gì bố. Còn thằng Thuỳ đêm nào cũng ngủ chập chờn. Cả khi ngủ rất say mặt mũi vẫn nhăn nhó đau khổ trông nó có một cái gì đấy khiến nhiều khi nếu không phải là khuya khoắt cô không dám nhìn. Đến bây giờ tự nhiên cô vươn người trùm cả khuôn mặt mình lên mặt con hôn hít chùn chụt vào má, vào mái tóc cum cúp của nó. Thằng bé giật mình khóc ré lên. Cô vội vàng: ”Mẹ đây, mẹ đây“: Rồi cứ ôm con ngồi như thế. Ngoài mình ra không còn bất cứ ai có thể thương yêu nó, chăm lo cho nó nên người.

Với tình yêu, kẻ biết dối trá thuần thục bao giờ cũng lôi cúôn người con gái hơn rất nhiều những ngừơi chỉ biết biểu hiện lòng thành thật. Ngừơi con gái mới lớn đã yêu người đàn ông có vợ, có con và chung sống với nhau một cách tự nguyện thì không bao giờ lại có thể yêu đắm đuối được cậu con trai ”chay tịnh“ cùng lứa tuổi với mình. Toàn biết rất rõ Châu càng ”căm thù“, càng xỉ vả và càng chứng tỏ cô yêu anh. Gục vào lòng hay tát vào mặt đều là những biểu hiện của tình yêu, có gì là lạ. Anh cũng biết anh chàng bộ đội nhà quê không thể làm sống dậy tình cảm thiêng liêng của Châu nên anh không việc gì phải lo sợ hốt hoảng khi cô đi lấy chồng. Từ hơn mười năm trước, đánh ”cắp“ được tình yêu của Châu như cô nói, dù không còn yêu vợ, Toàn vẫn quyết định duy trì một gia đình song song với một tình yêu mà sau này ngừơi ta gọi nó bằng cái danh từ không lấy gì làm đẹp đẽ: ”Bồ“. Không ai hầu hạ mình bằng mụ vợ đã có hai con lớn và ”mất thế“ cả về tuổi tác lẫn sự hấp dẫn. Ra khỏi nhà lại không có gì đốt cháy lòng khao khát bằng tình yêu vụng trộm. Nhất là với Châu, một cô gái từng đánh bật hàng chục hàng trai trẻ lại thuộc về mình, cam chịu là ngừơi vợ không chính thức, đã có hai mặt con kể cả sống và chết thì không có gì thoả mãn hơn thế. Bằng bộ mặt đau khổ, giọng nói và cử chỉ đau khổ, anh đã tạo ra một mụ vợ nanh ác độc địa làm khổ cuộc đời anh để Châu phải thương xót và tin là anh đang tìm cách ”giải phóng“ để đến với mình. Nếu không hoảng hốt khi có thai bé Thùy cô không nổi khùng quyết liệt đến mức ấy. Vài ba năm nay, thằng con lớn đi bộ đội, thằng bé đi học công nhân nước ngoài, cái mối ràng buộc giữa anh với gia đình như bị đứt. Chỉ còn hai vợ chồng. Người vợ lại sinh bệnh tâm lý luôn luôn hoảng sợ chồng khinh thường, chồng chán mình. Ra khỏi nhà là chị đánh phấn bôi son, thậm chí đi công việc gì về đến nhà là nghi ngờ, tra hỏi. Cái giống đàn bà kỳ cục thật. Lúc ngừơi ta đi ngủ với gái thì tin là chồng đứng đắn nhất, đến khi bị ruồng bỏ múôn quay về với vợ con lại bị nghi ngờ. Ngày nào cũng có điều to, tiếng nhỏ. Tuần nào cũng xẩy ra xô xát, giập vỡ. Toàn làm đơn ra toà không có chữ ký của vợ. Hơn một năm ”hoà giải“ không được, toà cho hai ngừơi ly hôn. Không cần hỏi ai, Châu tin ngay việc Toàn bỏ vợ có từ xưa, nhưng chưa có thời cơ như anh nói. Cô ân hận về sự vội vàng ích kỷ của mình. Chả để làm gì nhưng thấy tồi tội thế nào ấy. ”Bác Phòng nhà ai“?- ”Bác Phòng nhà bạn con“- ”Bạn con là gì“- ”Bạn con là không biết...“ ”Không được, bạn con là Lộng“- ”Bạn Lộng là ai?“- ”Bạn Lộng là con bác Phòng“ ”ừ đúng rồi giỏi lắm con nhớ chưa?“- ”Con nhớ rồi ạ“ ”Thế hôm nay Thuỳ đi đâu?“- ”Thùy đến cơ quan mẹ“.

Cho con đến cơ quan chơi, đang trên đường về gặp ”bác Phòng“ nào đó là bố bạn Lộng ở lớp con ngày trước thế là cậu cứ đòi vào chơi nhà bạn đành phải cho con rẽ vào đấy một tý. Đã hàng chục ngày rập rời trong cái ‘cớ“ ấy và trên đường đi, cả trước và sau khi đến cơ quan Châu đã luyện cho con thuộc lòng những lời dặn, lai con đến trước cửa nhà Toàn Châu lại thấy run bắn lên như cảm lạnh. Cái căn phòng trên gác hai, một mình nó một cầu thang riêng biệt phía ngoài năm năm về trước, vào giờ hành chính khi vợ Toàn đang làm việc ở nhà máy phân lân tại Văn Điển thì Châu đến đây hàng giờ, hàng buổi, có khi ăn cơm và nghỉ trưa tại đây, tự nhiên và chủ động như ở nhà mình. Bây giờ nhìn thấy nó Châu lại hoảng sợ. Toàn lang thang một mình mấy tháng nay. Bị cấm không được đến thăm Thuỳ cũng tội cho Toàn. Nghĩ thế, Châu đã định mấy lần cho con đến đây. Chần chừ mãi hôm nay mới liều. Tần ngần một lúc bên hiệu kem, cuối cùng cô quyết định không vào ”Mẹ ơi đứng đây làm gì?“ ”mua kem nhưng đông lắm không mua được“- ”ừ, ừ phải mua kem cơ“. Châu nhờ người mua được que kem cho con xong, vừa dắt xe đi một đoạn Toàn đứng ngay trước mặt: ”Mẹ con đi đâu thế này?“ Châu đỏ bừng mặt lúng túng: ”Đến cơ quan, cháu nó đòi mua kem“. Cu Thùy reo ”Bác Phòng, hoan hô bác Phòng!“. Nó nhoai người ra, Toàn chìa một tay cho nó bíu, anh nhắc thằng bé ra khỏi chiếc ghế mây.

- Cho con vào chơi với anh một tý.

- Không, không được đâu.

Châu nói yếu ớt khi Toàn đã một tay dắt xe, một tay bế cu Thuỳ đi vào trong ngõ. Châu đứng tần ngần một lúc đợi anh đi khuất, nhìn quanh không thấy ai quen cô mới dắt xe vào ngõ nhà Toàn. Châu lên cầu thang gặp Toàn đi xuống: ”Em lên với con, anh đi mua mấy điếu thuốc“

Vẫn căn nhà sàn gỗ lim bóng nhẫy quen thuộc, chỉ có cái khác là tủ đứng và quạt trần, máy khâu và chiếc giường hộp gỗ lát không còn. Chắc là bà ta khuân đi hết rồi. Trong căn phòng rộng hai mươi tám mét vuông, chỉ có chiếc bàn con và mấy chiếc ghế kỉểu bàn ghế của bà hàng nước. Chiếc giường một còn buông màn xô cũ vá víu, phía trên đầu có một đoạn xích đông treo lơ lửng vào tường đựng chiếc chăn bông và mấy gói bọc chắc là quần áo. Tất cả thấy rõ người đàn ông, dù ngăn nắp cẩn thận như Toàn thiếu bàn tay của ngừơi đàn bà sẽ biến căn phòng thành cái quán trọ. Toàn đem về hai cái bánh tẻ và một miếng giò lụa to tướng cho bé Thuỳ. Một nải chuối tiêu ”trứng cuốc“ và một gói lá sen phải đến hàng cân cốm, cái món quà trước đây Châu rất thích. Lên căn phòng hoàn toàn độc lập và yên tĩnh Châu thấy yên tâm hơn. Cô nói năng có phần tự nhiên.

- Anh mua về làm gì. Mẹ con em đi đây.

Cu Thùy đã phản đối:

- Con ăn chuối với cốm đã.

Toàn như không biết đến lời từ chối của Châu.

- Mẹ cho Thuỳ ăn cốm hộ bác đi.

Thùy bê ngay bọc cốm đặt vào lòng mẹ. Châu miễn cưỡng ngồi cho con ăn. Đấy là cái cớ để cô không nỡ từ chối trước lời mời như van của anh:

- Không ăn nhiều em ăn vài hạt để anh khỏi tủi thân.

Bé Thùy cũng giục mẹ, bốc hẳn nắm cốm vào ấp bàn tay tí xíu vào miệng mẹ. Anh hơi nhìn Châu như muốn nói khi cô vừa ngẩng mặt lên ”Đấy, bố con anh hiểu ý nhau đến thế là cùng“. Châu đỏ mặt vội quay đi. Đúng giờ nghỉ trưa Châu cho con về cơ quan. Thằng bé lon ton chạy đi trước. Toàn nói nhỏ.

- Anh không ngờ được một ngày hạnh phúc như thế này. Anh cám ơn em lắm lắm đấy Châu ạ.

Châu hơi né người, nhặt chiếc nón bước ra cửa như muốn chạy.

- Anh không tiễn mẹ con em nhé.

- Thôi

Chiều ấy đi làm về gặp Hiểu, anh mời một câu ”xã giao“. Châu nhận lời ngay và cô cho con chơi bời thoải mái đến gần tối mới về nhà. Trên đường về cu Thuỳ đã phải học thuộc và nhớ câu ”thần chú“ khi về đến nhà nó phải reo: ”Con vào nhà bác Hiểu bố ạ“.

Sài về từ bốn giờ. Đến năm giờ chưa thấy vợ và con lớn về, anh phải sang nhà bên đón đứa bé. Hai bố con vừa chơi với nhau, vừa nấu cơm và làm mọi thủ tục cho con ăn, và giặt giũ xong xuôi mọi việc, vẫn chưa thấy vợ và con lớn. Đang bực về sự chờ đợi không hề biết nguyên nhân thì cu Thuỳ ton tót từ ngoài cửa:

- Bố ơi, con với mẹ đến nhà bác Hiểu, bác Hiểu cho bố cả thuốc lào đây này. Trong túi của mẹ ấy.

Anh vui ngay khi biết lý do mẹ con cô về muộn. Nhưng nếu không phải đến chỗ anh Hiểu và anh khồng biết mẹ con đã đi đâu thì cũng không có gì đáng phải nói, đáng hờn giận nếu không có cái buổi tối anh cũng về muộn sau đấy hai ngày. Do phải tổng hợp số liệu cho bộ trưởng đi vào miền Nam sáng sớm mai, Sài phải làm đến tám giờ tối. Đói và mệt lả nhưng trong túi không có đến năm đồng bạc. Không biết ăn uống cái gì, mà có cũng không dám ăn. Hàng hai năm nay anh không hề biết mùi phở Hà Nội, hiện nay cứng hay mềm, ngọt hay nhạt. Về đến nhà thấy vợ đang giắt màn, nét mặt nặng chình chịch anh đã phải nói cái lý do để anh phải về muộn. Cô lặng lẽ vào màn. Anh vào bếp lục cơm. Một nồi cơm đóng chóc để ở dưới đất. Một đĩa rau không đậy. Anh lục tìm nước, bữa cơm nào không có nước rau anh ăn như nhét rác vào miệng, nhất là đang mệt mà cơm lại nguội khô. Tìm mãi không thấy, bất đắc dĩ anh phải hỏi:

- Nước canh đâu thế em nhỉ?

Im lặng.

- Còn nước canh không em?

- Đổ cho lợn rồi.

- Em nói gì thế?

- Nói gì? Tưởng không về đổ cho lợn nó ăn rồi.

Một làn hơi cộn lên nóng bừng ở mặt, bàn tay cầm đĩa rau như không chắc nữa, anh phải quay người lại đặt nó vào chạn rồi đứng gục đầu vào đấy, hai tay bíu vào nóc chạn. Không rõ vì đói, mệt hay vì cay cực quá, người anh lả thiếp muốn khuỵu xuống. Phải đến nửa giờ sau anh mới lững thững ra phía cửa đi đi lại lại cho thoáng rồi vào nhà hút thuốc và lấy sổ sách giấy tờ xuống bếp bật đèn điện, kê sổ vào ghế con ngồi cặm cụi viết. Hơn mười hai giờ đêm mới xong công việc, anh lên nhà đứng phía ngoài màn nhìn hai đứa con đang ngủ. Anh muốn ôm lấy các con nhưng vướng Châu nằm phía ngoài và sợ con thức giấc. Cứ đứng nhìn hai đứa trẻ ngây thơ vô tội rồi đây sẽ phải chia ra, đứa có bố, không còn mẹ, đứa có mẹ thì mất bố. Các con ơi, tha lỗi cho bố, không bao giờ bố muốn một lần nữa tan tác chia ly, nhưng bố không còn chỗ nào để lùi nữa rồi. Không còn gì để mà tiếp tục làm cho các con vui vầy sung sướng. Nếu sau này lớn lên có kết tội bố thì xin các con đừng lên án hành động của bố trong đêm nay. Bố đã có tội với các con từ dăm năm trước và xa hơn, từ khi bắt đầu cuộc đời của bố kia. Hàng tiếng đồng hồ đứng lặng như chết, chỉ còn hai làn môi động đậy run run và khuôn mặt như méo mó hẳn đi.

Châu ngồi dậy làm cho anh giật mình. Cô bật điện thay tã cho con. Anh ngồi vào chiếc giường một của mình điềm nhiên không có chuyện gì xảy ra. Cô ra khỏi màn mang tã xuống bếp vứt vào chậu nước và làm việc riêng rồi quay lên. Sài đứng dậy chặn cô ở cửa:

- Anh định bàn với em một việc.

- Không có việc gì phải bàn bây giờ cẩ.

- Nếu em không muốn thì để anh nói một câu.

- Muốn nói gì thì nói. Xê ra cho tôi còn ngủ, mai đi làm.

- Cho anh nói đã. Có lẽ chúng mình không ăn ở được với nhau nữa đâu.

Châu cười:

- Tưởng gì, thế thì dễ thôi, làm đơn đi.

- Đơn anh viết rồi em đọc rồi ký vào.

- Việc quái gì phải đọc cho mệt xác. Đưa bút đây. Cô cầm bút ký vào bên cạnh chữ ký của Sài ở phần cuối tờ giấy đề Đơn xin lý hôn rồi quẳng bút sang giường anh, nhanh chóng chui vào giường mình như không hề có chuyện gì xảy ra.

Bằng lòng tin của mình. Châu đinh ninh là Sài doạ cô, ”Không thể có chuyện ấy“ nếu người đề xướng không phải là cô. Đến khi toà án có giấy gọi cô mới ớ người ra, đỏ bừng mặt xấu hổ với xung quanh. Nhưng vẫn mỉm cười như muốn nói với mọi ngừơi ”Có một ông chồng hâm, động tý vác nhau ra toà sung sướng thế đấy“. Tuy vậy, cô vẫn chưa cảm thấy một vấn đề hệ trọng sắp sửa xảy ra. Cho đến buổi đầu tiên đến toà lấy lời khai và ba lần ”hoà giải“ trong vòng sáu tháng giời cô vẫn ”yêu“ còn Sài thì khăng khăng ”không còn tình cảm“. Với lý do ”mười chín lần nấu cơm riêng và mười một lần trong hai bên bỏ nhà ra đi trong vòng bốn năm chung sống“. Lúc này cô mới hỉêu sự im lặng chuẩn bị của Sài cả năm nay và cái nguy cơ đổ vỡ không thể cứu vãn. Với Châu đã thế, những người ngoài kể cả ngừơi thân thiết càng đột ngột với thái độ của Sài. Cho đến hôm nhận được giấy báo mười ba ngày sau đến dự phiên toà ”xét xử vụ ly hôn giữa anh Sài và chị Châu“ Tính mới vội vàng đạp xe lên Hà Nội bàn với chú Hà và Hiểu và để làm cái việc ”gia đình quyết định“. Hà lạnh nhạt hỏi lại: ”Anh quyết định cái gì? Nó có thân nó phải lo, anh có ôm được nó từ nay đến già không?“ Tính hẫng, thuội mặt như đứa trẻ bị đòn... Nhưng đạp xe đến đây, chả nhẽ lại về không: ”Sểnh cha còn chú, cháu nghĩ dù sao gia đình nhà mình cũng phải biết rõ đầu đuôi ra sao, có ai người ta điều ra tiếng vào mình còn biết đường“- ”Khốn khổ, việc mình mình làm, việc gì cứ phải rập rình xem người khác khen hay chê, nhìn ý tứ mỗi người một tý để bóp mình theo họ. Thôi được anh đến chỗ Hiểu báo điện thoại trưa nay thằng Sài đến đấy“.

Tính nói dài dòng về một nề nếp gia đình, về sự thống nhất từng nhỏ nhặt, về sự bàn bạc, tính toán lường trước hậu quả của mỗi công việc là rất cần thiết khiến cả Hà, Hiểu và Sài đều sốt ruột. Họ ”trật tự“ và ”nghiêm trang“ giả vờ để anh đỡ ngượng. Anh nói được những lời rất chân thành sâu xa, chỉ có điều ai cũng biết cả rồi. Hơn một giờ nghỉ trưa để rồi mọi người lại phải đến cơ quan bù đầu với bao nhiêu công việc vất vả, những lời nói của Tính không đúng lúc cứ truội ra khỏi ý nghĩ của mọi người. Nói tóm lại, nó chẳng vào ai. Mắt ai cũng díp lại, cả ba người vẫn phải tỏ ra mình đang nghe chăm chú. Anh kết luận: ”Bây giờ chú Sài trình bảy để các ông và các anh tham gia. Thôi thì anh Hiểu đây cũng coi như anh em ruột thịt, ta bàn thận trọng việc này. Đây cũng là lần thứ hai rồi“.

Sài đã rất mệt vì nhiều người ”góp ý“ quá đến bây giờ lại nghe đến câu ”lần thứ hai“ anh cười lạt cay cú:

- Đến lần thứ mười cũng không sao. Còn bàn, có lẽ hơn một tuần nữa đến toà án rồi bàn một thể.

- Phải rồi, ông đây và anh em chúng tôi còn là cái thớ gì nữa.

- Anh đừng nói thế. Không bao giờ em là kẻ bội bạc. Thú thật, em sợ sự bàn bạc của người này để quyết định số phận cho một người khác lắm rồi.

- Thế thì việc chú lấy cô ta do những người ở đây đấy à?

- Vẫn tại em. Chuyện này hoàn toàn tại em. Em biết từ bé đến lớn em cứ phải sống với một người vợ em không thể yêu để đến lúc luống tuổi, hoắng lên chạy theo cái mình không có, không phải là mình. Thời trai trẻ không được yêu, đến khi được phép yêu đương thì lại lớ ngớ như một thằng trẻ con. Một thằng ”vỡ lòng“ trong lĩnh vực này lại phải đóng vai ngừơi đã từng trải lịch lãm chỉ vì không dám thú nhận mình là thằng thua kém những con bé mới mười tám đôi mươi đã yêu đương lọc lõi, có thể làm thầy dạy cho mình những bài học đầu tiên về cuộc sống.

- Chắc là tại mọi ngừơi.

- Không. Sài nhăn mặt lại nói như rút từ ruột mình ra những lời ấy:

- Đã bảo là tất cả tại em. Ngay từ nhỏ đã tại em. Giá ngày ấy em cứ sống với tình cảm của chính mình, mình có thế nào sống như thế, không sợ một ai, không chiều theo ý ai,sống hộ ý định của người khác, cốt để cho đẹp mặt mọi người, chứ không phải cho hạnh phúc của mình. Nếu em, cứ kiên nhẫn và quyết liệt như thế, chắc bố mẹ, anh em, đơn vị cũng không đem giết em. Về sau này nếu em có kinh nghiệm, em có hiểu biết và không hoa mắt choáng ngợp trước sự hấp dẫn của thành thị, bình tĩnh hơn, tỉnh táo hơn, xem tạng người mình thì hợp với ai, có lẽ em không phải lao đao, lúc nào cũng cảm thấy hụt hơi trong suốt mấy năm qua. Nửa đời người phải yêu cái ngừơi khác yêu, nửa còn lại đi yêu cái mình không có, đến bây giờ mới biết mình như thế nào thì lại...

- Ông Hà và anh em chúng tôi bắt chú phải làm điều gì không phải?

- Vâng! Em biết chả ai nỡ bắt em và cũng đến lúc không ai có thể bắt được chuyện gì nữa. Nhưng đã bốn mươi tủôi đầu không biết mình là thế nào để tự định đoạt lấy cuộc sống của mình thì em cũng chả nên sống làm gì.

Cả Hà và Hiểu đều biết không ai thấm thía hơn Sài với cái gọi là hạnh phúc của anh. Nếu như thế nào chắc Sài phải tự tìm cho mình một lối thoát chính xác. Nếu không, như anh ta nói bốn mươi tuổi đầu còn hồ đồ không biết mình là thế nào lại cứ hoảng lên vì cái này, vì cái khác thì cứ để anh ta tự kết luận lấy đời mình kể cả việc quyết định ly dị vợ và xin chuyển công tác về địa phương. Cũng chả nên tham gia làm gì. Nể Tính, hai người ngồi lại ”bàn“. Thấy anh em căng thẳng không cần thiết và những đìêu Sài nói thực ra va chạm đến cả chú và ngừơi phụ trách trực tiếp của mình trước đây.

Nhưng cả hai con người từng trải này đều biết mình phải có những cử chỉ, những lời nói như thế nào để đạt tới mục đích của buổi hôm nay. Phải cho hai anh em vui vẻ và cả hai đều cảm thấy có cái lý của mình không nên vạch vòi chỉ trích nhau làm gì lúc này. Nói để đạt tới mục đích ấy song cả hai đều đề cập đến việc phải bàn khiến Sài cảm thấy ân hận với những lời lẽ bất cần của mình với mọi ngừơi. Đấy là chuyện con cái. Nuôi thằng Thùy là chắc chân. Nhất định toà sẽ xử như thế. Chỉ có điều là để cháu ở đâu cho tiện việc trông nom nó. Đừng tạo nên cảnh bố con tha nhau nay chỗ này mai chỗ khác. Bàn đi tính lại mãi họ quyết định cho cháu về ở với bác Tính gái. Về đấy có các anh, các chị chơi đùa, cháu cũng đỡ nhớ mẹ. Khi nào Sài về công tác ở huyện, có thể ahi bố con mang nhau lên cơ quan. Hai anh em thay nhau nuôi một đứa trẻ làm gì mà không được. Cái quyết định ấy Sài chưa thật bằng lòng. Việc ăn uống, tắm giặt tuy ở Hà Nội có khó khăn nhưng có điều kiện để giữ gìn cho con sạch sẽ. Về quê, không có mình, chị dâu và các cháu không quen các sinh hoạt của con, nó ốm đau ghẻ lở thì khổ lắm. Phần khác, anh vẫn giữ một quan niệm: hết sức tránh sự nhờ vả dù là ngừơi ruột thịt. Nhưng thôi hãy tạm thế. Tránh vác con lang thang nhưng nó ở đâu anh sẽ ở đấy. Anh không thể rời nó. Cả cuộc đời anh chỉ còn lại có nó. Nó như niềm an ủi, như một thằng bạn. Mỗi lần nó hắt hơi, sổ mũi anh cũng giật mình thon thót. Bây giờ lại để con một nơi làm sao chịu nổi.

Trong khi Sài về quê để lo việc ăn ở cho con và liên hệ công việc thì Châu đã đến nhà Toàn. Cầm tờ giấy báo của toà án Châu thực sự choáng váng. Có những chiều đi làm về đón cả hai con, không tắm rửa, nấu nướng, mua phở cho các con ăn, nước mắt cứ ràn ra phải quay đi để giấu chúng. Thằng Thùy vẫn biết ”Mắt mẹ làm sao mà chảy nước thế“- ”Mắt mẹ đau“- ”Để con lấy thuốc con tra cho nhá“- ”ừ ăn nhanh lên“- Mẹ ơi bố đi đâu?“- ”Bố chết rồi“- ”ý , không phải bố về quê. Con cũng về quê, đi đò mà có cái bơi ý mẹ biết không?“- ”Mẹ không biết. Đã bảo ăn quàng lên mẹ còn rửa dọn“. Mấy hôm sau đưa con xuống mẹ đẻ, mỗi chiều đi làm về cô đạp đi hết đường này đến phố khác, đến tối mịt mới về. Cô đến nhà Toàn chỉ vì không biết đến đâu trong khoảng thời gian trông trênh vô cùng. Mỗi bủôi chiều hết giờ làm việc ra khỏi cơ quan không biết đi đâu thì Toàn đã đến đón cô. Hàng tháng nay, chiều nào hết gìơ làm việc Toàn cũng đạp xe đi đến gần chỗ làm của cô. Đợi cô dắt xe ra cửa, lên xe đạp đi, rồi từ một gốc cây sấu ở mãi xa đằng đầu đường anh mới đạp xe theo. Cứ đi theo quanh quẩn, đến khi cô về đến lối rẽ vào nhà mình anh mới quay lại. Mấy chiều nay thấy Châu đạp xe đi lang thang anh quyết định gặp cô vào chiều ngày thứ sau. Cũng như mọi chiều theo Châu, đến gần lối rẽ về nhà mình Toàn đạp dấn lên như một sự vô tình anh hỏi:

- ồ sao hôm nay em về muộn thế.

Châu giật mình quay lại, trả lời thẫn thờ:

- Việc nhiều phải làm thêm.

- Vào anh một chút được không

- Để làm gì.

- Nếu em không bận anh mời em đến chơi, chả có việc gì. Rồi anh buồn bã hỏi

- Anh đi với em một đoạn có được không?

- Tuỳ, nếu anh rỗi rãi.

Phải đi một đoạn khá xa Toàn mới nói:

- Anh biết tất cả nỗi khổ tâm của em trong thời gian gần đây.

- Anh cũng còn thương xót đến tôi?

Nỗi đau khổ lại dâng tràn đầy khuôn mặt trái xoan của Toàn. Anh lặng đi khiến Châu cảm thấy ân hận vì mình đã quá lời.

- Anh biết vì anh nên em mới khổ. Nếu em không tha thứ cho anh, chỉ xin cho anh được làm một việc gì đó nếu em thấy cần san sẻ nỗi vất vả của mình.

- Bây giờ anh mới biết là anh đã làm tôi khổ à?

- Anh biết vì quá yêu em anh đã không kìm giữ được. Nhưng nếu em bình tĩnh nghe anh thì đâu đến nỗi.

- Bình tĩnh. Anh cứ bình tĩnh sống với vợ con anh còn tôi bình tĩnh để trở thành một con đĩ.

- Cho đến bây giờ mọi việc đã rõ ràng cả rồi em vẫn nghi ngờ anh. Anh cũng đành chịu biết làm thế nào.

- Bây giờ anh được giải phóng rồi thiếu gì con gái trẻ đẹp.

- Em cho anh là loại ngừơi như thế à?

- Đàn ông các anh có thằng nào khác thế.

- Thôi được, em múôn cho anh là loại ngừơi thế nào cũng được. Anh chỉ nói với em một điều. Từ nay anh hoàn toàn không có gì ràng buộc. Anh đề nghị: trong cuộc sống của mình, nếu em cần đến anh với tư cách nào cũng được. Thằng ở, một người bạn, người anh, em cho phép anh được làm việc gì đó đỡ mẹ con em nếu không muốn nói là nghĩa vụ của anh. Còn tình cảm của chúng ta em có nghĩ lại hay không là quyền của em. Anh không dám đòi hỏi gì. Nhưng anh sẵn sàng đón nhận tất cả.

- Thôi đi, tôi chán tất cả nhưng lời ấy rồi.

Cô đạp xe dấn lên như chạy trốn, như kinh sợ hoảng hốt. Nhưng trước khi ra toà hai ngày cô đã đến ở trọn với Toàn cả đêm. Đến khi đứng trước bản tuyên bố cuối cùng của phiên toà cô đã làm một việc mà chính từ trước tới nay cô luôn hoảng sợ.

Mời anh Giang Minh Sài trả lời tiếp câu hỏi của toà.

Sài đứng dậy chờ nhân viên thẩm phán ghi chép cái gì đó rồi ngẩng lên trịnh trọng:

- Nếu toà xử ly hôn giữa anh và chị Nguyễn Thùy Châu anh cho biết nguyện vọng của anh về tài sản và con.

- Về tài sản tôi để chị Châu hoàn toàn sử dụng. Về con cái: Vì cháu nhỏ chưa thể tách khỏi mẹ, tôi xin nuôi cháu lớn là Giang Minh Thuỳ.

- Anh ngồi xuống- Giọng anh ta lại với lên - Mời chị Nguyễn Thùy Châu.

Châu đứng lên nét mặt lạnh lùng. Viên thẩm phán dỗ dỗ đầu bút xuống mặt giấy như thể gõ nhịp:

- Chị đã nghe rõ ý kiến của anh Sài chưa?

- Tôi nghe rõ rồi ạ.

- Chị có ý kiến gì về tài sản và con cái.

- Về tài sản, tuỳ toà quyết định như thế nào tôi cũng xin chấp hành. Riêng phần con: Cháu Giang Minh Thuỳ không phải là con của Sài.

- Chị có chứng cớ.

- Chứng cớ là tính từ ngày chúng tôi đi lại với nhau đến khi sinh cháu có bảy tháng ba ngày.

- Chị sinh cháu thứ hai cũng không được đủ tháng.

- Vâng, nhưng cháu Thuỳ nặng 3,2 Kg không có biểu hiện gì của sự thiếu tháng.

- Đã bao giờ chị cho anh Sài biết chuyện này chưa?

- Chưa.

- Chị nói tiếp.

- Vâng. Nguyện vọng của tôi là anh Sài không được phép nuôi cháu Giang Mình Thuỳ.

- Nhưng chị cũng xác nhận anh ấy là người vất vả chịu khó nuôi con.

- Thưa toà. Vì không phải là dòng máu của mình, nhất là đến hôm nay anh Sài mới biết chuyện này, anh sẽ không đủ sức mà thương yêu, nuôi dưỡng một đứa trẻ không phải là con của mình.

Có những lúc Sài đã chạnh nghĩ đến nó nhưng không bao giờ ngờ tới những lời của Châu như lúc này. Đầu óc anh choáng váng, mắt vẫn nhìn lên mà không còn thấy gì, không nghe được Châu nói tiếp những gì. Trong anh chỉ còn những hình ảnh hàng trăm lần con ”đi“ trong một ngày đêm, hàng tháng trời ngồi thâu đêm giữ kim và ôm con vợ ngủ. Những lời thông minh hóm hỉnh đầy tình cảm của nó: ”Thuỳ thương bố nhất. Nhớn lên Thuỳ sẽ đi bán kem cho bố tha hồ ăn nhì“- ”Sao mắt bố chảy nước? Bố khóc, Thùy buồn lắm“. Con ơi! Thùy ơi! Nếu các bác ở nhà quê biết rõ chuyện này thì sẽ nghĩ đến con như thế nào! Anh giật mình khi nhân viên thẩm phán gọi đến tên mình. Anh đứng dậy như một cái máy:

- Anh đã nghe rõ hết lời của chị Châu chưa?

- Rồi ạ.

- ý kiến của anh như thế nào.

- Tôi không có ý kiến gì.

Chiều hôm đó còn đồng nào trong túi Sài mua hết bánh kẹo cho các con. Anh bế và hôn lên khắp người mỗi đứa. Anh khoác chiếc ba lô có cái màn và mấy bộ quần áo nói với các con: ”Bố đi công tác xa“. Rồi vội vã bước ra khỏi nhà. Với bộ mặt lạnh lẽo cay độc Châu vẫn nhìn anh như kẻ thù nhưng đến khi anh đi khỏi, hai đứa trẻ khóc oà chạy theo bố, cô cũng gục đầu xuống gối nức nở. Cho đến khi hai con chạy vào mỗi đứa một bên mếu máo lay gọi mẹ thì những ngừơi ở khu tập thể đã đứng đầy phía ngoài. Nhìn qua khe cửa thấy cảnh ba mẹ con kêu khóc trên một chiếc giường, nước mắt ai cũng muốn rào ra, ai cũng muốn kêu to lên với những chàng trai, cô gái rằng: Các ngừơi hãy cứ yêu nhau say đắm và mê mẩm rồi lại cắn xé nhau như chó mèo đi. Tất cả đều là quyền của các ngừơi. Nhưng đừng có kẻ nào dã man tạo ra những đứa trẻ để lại trút lên cái cơ thể bé bỏng ngây thơ của nó những tội lỗi sinh ra từ lòng ích kỷ không cùng của các người.

.:Trang Chủ:.
Copyright © 2013 YeuTruyen
C- STAT truyen teen hay